Sáng nay (10/9), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trên tuyến đê La Giang. Lãnh đạo Sở NN&PTNT, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh cùng đi. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu cùng đoàn kiểm tra tại cống Trung Lương (phường Trung Lương, TX Hồng Lĩnh).
Tuyến đê La Giang là đê cấp II có chiều dài 19,2 km, bảo vệ cho khoảng 300.000 người với 48.400 ha diện tích đất của các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, TX Hồng Lĩnh và một phần của huyện Thạch Hà, Lộc Hà...
Trên toàn tuyến đê có 8 cống (4 cống tưới kết hợp tiêu và 4 cống trạm bơm), 6 hệ kè bảo vệ đê, 9 vị trí cửa khẩu cắt qua đê, 20 giếng giảm áp tại vùng sủi Đức Diên (khi có lũ trên báo động 3 các giếng này sẽ hoạt động). Dọc theo tuyến đê còn có 3 kho vật tư dự trữ phòng chống lụt bão.
Đoàn kiểm tra giếng giảm áp tại vùng sủi Đức Diên (xã Yên Hồ, Đức Thọ).
Tuyến đê được phân cấp quản lý theo địa giới hành chính: đoạn từ K0 đến K15+600 do UBND huyện Đức Thọ chịu trách nhiệm, đoạn từ K15+600 đến K19+200 do UBND thị xã Hồng Lĩnh chịu trách nhiệm; Công ty TNHH MTV thủy lợi Bắc Hà Tĩnh trực tiếp quản lý 7 cống dưới đê (trừ cống Đức Nhân).
Để đảm bảo an toàn cho công trình, trước mùa mưa lũ hằng năm, công trình đã được các địa phương, đơn vị kiểm tra đánh giá thực trạng theo phân cấp quản lý và xây dựng phương án bảo vệ.
Tuyến đê La Giang được xác định có 4 vị trí trọng điểm như sau: - Đoạn từ K0+600 - K2+100 (dòng chảy áp sát thân đê và đã từng có sự cố năm 1996). - Cụm cống Đức Xá tại K8+00 - K8+165 (bao gồm cống Đức Xá mới tại K8+00 và cống Đức Xá cũ đã chặn ngang). - Vùng sủi Đức Diên từ K12+200 - K14+00 thường xuyên xuất hiện sủi khi mực nước trên báo động 3. - Đoạn ngã sóng từ K16+213 - K19+080 đà sóng lớn uy hiếp đến thân đê. |
Để bảo vệ các vị trí trọng điểm, các đơn vị liên quan đã lên phương án cụ thể về chỉ đạo, điều hành cũng như lực lượng, vật tư, phương tiện, hậu cần thực hiện.
Theo đó, khi mực nước lũ tại Trạm Thủy văn Linh Cảm ở các mức dưới báo động 3 (6,5m) thì UBND huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh chịu trách nhiệm huy động nhân lực, vật tư, phương tiện ứng phó.
Khi mực nước lũ trên báo động 3 hoặc có sự cố xảy ra uy hiếp đến an toàn trên đê La Giang thì Ban Chỉ huy PCTT và TKCN công trình đê La Giang trực tiếp chỉ huy điều hành.
Đoàn kiểm tra công tác dự trữ vật tư tại Hạt Quản lý đê La Giang...
Lực lượng kỹ thuật xử lý trực tiếp là Sở NN&PTNT và các cơ quan chuyên môn của tỉnh. Lực lượng hỗ trợ gồm 165 người là lực lượng cơ động của tỉnh.
Ngoài ra, huy động 160 người lực lượng tuần tra, canh gác và 200 người lực lượng xung kích của UBND huyện Đức Thọ.
Vật tư dự trữ trên tuyến đê La Giang tại các vị trí K5+700, K8+200; K14+00 và K18+900, gồm: đá hộc,đá dăm, cát vàng, bao tải, rọ thép, vải lọc, bạt chắn sóng..
Ngoài ra, trước mùa mưa lũ, UBND tỉnh giao UBND huyện Đức Thọ ký hợp đồng và bố trí vật tư dự trữ trong dân: phên tre 500 m2, tre 900 cây, bao tải 36.000 cái...
Phương tiện giao UBND huyện Đức Thọ và TX Hồng Lĩnh chuẩn bị, khi cần sẽ huy động thêm. Lương thực, nhu yếu phẩm được chuẩn bị cho thời gian 7 ngày để tham gia ứng phó, hộ đê.
Đoàn kiểm tra tại cống Đức Xá mới (xã Bùi La Nhân, Đức Thọ).
Đảm bảo công tác hộ đê La Giang trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy công trình trọng điểm đã chuẩn bị một số thiết bị, vật tư y tế tại các cụm, trạm để phục vụ cho các lực lượng.
Sau khi đi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về công tác phòng chống thiên tai trên tuyến đê La Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu và Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Bá Đức chủ trì buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đại diện các địa phương: Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh đã làm rõ thêm hiện trạng công trình và phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm tuyến đê La Giang đoạn đi qua các địa bàn.
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ: Tuyến đê La Giang qua huyện Đức Thọ dài 15,6 km được bố trí 3 cụm phòng chống thiên tai của huyện. Hiện nay, huyện đã chuẩn bị các phương án về lực lượng, hậu cần, vật tư, phương tiện để bảo vệ đê và phương án sơ tán dân khi có bão mạnh, siêu bão.
Ông Nghiêm Sỹ Hùng – Phó phòng Kinh tế TX Hồng Lĩnh: Tuyến đê La Giang đi qua TX Hồng Lĩnh có chiều dài 3,6km đã được kiên cố hóa khá vững chắc. Vị trí trọng điểm cần tập trung là đoạn từ K16+200 – K19+149. Địa phương đã dự báo tình huống sự cố và chuẩn bị phương án, các điều kiện xử lý khi sự cố xảy ra.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai, bảo vệ các vị trí trọng điểm tuyến đê La Giang; bảo vệ sản xuất, an toàn cho Nhân dân. Đặc biệt, các phương án phòng chống thiên tai phải đảm bảo phòng chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu đề nghị các đơn vị chủ động các phương án phòng chống thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương phải trực tiếp ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp vật tư, lương thực thực phẩm; chú trọng công tác tuần tra, kiểm tra, góp phần bảo vệ an toàn các tuyến đê, kè, cống, các vị trí trọng điểm, đồng thời đảm bảo các phương án di dân khi cần thiết.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh, Chi cục Thủy lợi thường xuyên liên hệ, kết nối với Bộ NN&PTNT để chủ động trong các phương án phòng chống thiên tai.
Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm chính, làm tốt công tác chỉ đạo, điều hành và kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh các phương án phòng chống thiên tai phù hợp.