Bavaria được coi là thành trì của đảng CSU trong liên đảng bảo thủ cầm quyền của đương kim Thủ tướng Angela Merkel. Tuy nhiên, đảng này lại đang đứng trước nguy cơ “thất bại lịch sử”.
Thủ tướng Đức Angele Merkel. (Ảnh: AP) |
Tại Đức, Bavaria luôn được đánh giá là “một bang kiểu mẫu”. Hai chữ “thất nghiệp” gần như là không tồn tại, khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 2,8% và tỷ lệ tội phạm cũng thấp nhất cả nước.
Cầm quyền tại khu vực này gần như là liên tục kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, CSU lại đang đứng trước nguy cơ “thất bại lịch sử” tại chính khu vực được coi là “thành trì” của mình.
Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy, đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), đồng minh thân cận với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể chỉ nhận được 33% số phiếu ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/10, thấp hơn nhiều so với mức 47,7% năm 2013 và là kết quả tồi tệ nhất mà đảng này nhận được trong cuộc bầu cử tại Bavaria kể từ năm 1950.
Ngược lại, đảng Xanh lại chứng kiến sự gia tăng đáng kể tỷ lệ tín nhiệm trong các cuộc thăm dò dư luận gần đây. Đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD), chống nhập cư cũng được dự báo sẽ là một trong những chính đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử địa phương này và sẽ lần đầu tiên có mặt tại Nghị viện vùng Bavaria.
“Đặc biệt, trong vấn đề tị nạn, cử tri rõ ràng muốn có một cách tiếp cận khác” - chuyên gia chính trị Đức Ursula Muench cho biết. “Và chính đảng Sự lựa chọn của nước Đức đang tìm cách tận dụng những khoảng trống, sự thiếu sót của các đảng khác để gia tăng sự ủng hộ. Họ đang coi đây là một vũ khí để thu hút những người ủng hộ đảng CSU và thậm chí cả đảng Dân chủ Xã hội”.
Theo các nhà phân tích, một thất bại của đảng CSU cũng đồng nghĩa với một sự suy yếu của liên đảng bảo thủ. Một CSU thất bại có thể sẽ trở nên khó kiểm soát hơn đối với Thủ tướng Angela Merkel. Những người Xã hội Cơ đốc giáo tại Bavaria có thể sẽ gia tăng áp lực lên Thủ tướng, bởi trong suốt chiến dịch tranh cử vừa qua, họ cũng luôn coi chính sách quốc gia là nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu của đảng này hiện nay.
Tuy nhiên, mặt khác, đối với Thủ tướng Angela Merkel, thất bại này cũng chưa hẳn là tiêu cực. Bởi kết quả của cuộc bầu cử có thể buộc CSU phải thay đổi cách tiếp cận trong một số vấn đề, giúp giảm bớt căng thẳng trong nội bộ liên đảng cầm quyền, nhất là liên quan đến vấn đề nhập cư.
Hơn nữa, sự suy yếu của CSU cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của những thay đổi mang tính cơ cấu đang tác động lên tất cả các đảng truyền thống lớn tại Đức.
Theo Giáo sư Horst Moller thuộc Đại học Munich, không chỉ đảng CSU, mà cả Đảng Dân chủ Xã hội cũng đang phải chứng kiến sự sụt giảm chỉ số tín nhiệm của cử tri. Cuộc bầu cử địa phương tại Bavaria sẽ là một phép thử lớn đối với liên minh CDU/CSU, cũng như đối với Thủ tướng Angela Merkel./.