Đây là một khu phức hợp ở Trịnh Châu, Hà Nam - một trong những tỉnh nghèo nhất ở Trung Quốc với khoảng 9,5 triệu người. Nhà máy sản xuất iPhone do công ty sản xuất điện tử Đài Loan Foxconn điều hành, với nhân công khoảng 350.000 người, sản xuất khoảng nửa số iPhone trên thế giới. Các tháng hè là thời gian bận rộn nhất, bởi họ phải chuẩn bị cho sản phẩm ra mắt vào mùa thu với sản lượng 500.000 chiếc điện thoại mỗi ngày, hoặc khoảng 350 chiếc mỗi phút. Với lượng người sinh sống đông đúc và đặc điểm riêng, người ta đã đặt cho nó cái tên là "Thành phố iPhone".
Ở đây, công nhân sống trong ký túc xá cao 10 - 12 tầng. Một thập kỷ trước, khu vực này chỉ có bụi bẩn và những cánh đồng ngô, lúa mì. Năm 2010, chính phủ đã mua lại đất nông nghiệp và giao cho nhà máy. Sau khi được xây dựng với sự hỗ trợ 600 triệu USD từ chính quyền tỉnh, nó hầu như chỉ phục vụ cho nhu cầu sản xuất iPhone của Apple. Hiện tại, chính quyền vẫn tiếp tục cung cấp cho Foxconn rất nhiều hỗ trợ, ưu đãi thuế và các khoản trợ cấp để công ty sản xuất ổn định cũng như mở đường, xây dựng nhà máy điện để giúp họ giảm bớt chi phí năng lượng và vận chuyển, đồng thời thưởng nếu họ đáp ứng các mục tiêu xuất khẩu.
Nhiều công nhân đi làm bằng xe máy, nhưng hầu hết đều đi bộ từ các ký túc xá gần đó hoặc đi xe buýt nếu sống trong các tòa nhà xa hơn. Sau giờ làm việc, họ thường ăn tối với bạn bè hoặc chơi game online cho đến 10 hoặc 11 giờ tối rồi mới về đi ngủ. Lịch trình của mọi người về cơ bản là giống nhau, nhưng sẽ đảo ngược lại về thời gian cho những người chuyên làm ca đêm.
Khu phức hợp có đại lộ rộng để xe buýt đưa đón công nhân vào và xe tải chở hàng đưa sản phẩm ra ngoài. Chính quyền tỉnh đã biến nơi này thành "khu ngoại quan", nghĩa là coi đó là vùng đất nước ngoài. Sự sắp xếp này cho phép Foxconn và Apple hầu như có thể nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa để bán ở Trung Quốc hoặc bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây là một trong những đặc quyền mà chỉnh quyền thành phố đã cấp cho Foxconn.
Hầu hết công nhân làm việc tại nhà máy có độ tuổi từ 18 đến 25, một số thực tập viên chỉ 16 tuổi. Theo BusinessInsider, có một sự đồng đều về giới tính giữa nam và nữ. Hầu hết họ đến từ Trịnh Châu hoặc các khu vực xung quanh của tỉnh Hà Nam. Hầu hết công nhân ăn sáng và ăn tối tại các nhà hàng gần ký túc xá hoặc canteen trong nhà máy. Thức ăn khá giống nhau, gồm mì, rau và các xiên thịt, cá. Các bữa ăn trong căng tin thường có giá rẻ hơn một chút, khoảng 1 USD. Thức ăn tại các quầy hàng hoặc nhà hàng có giá khoảng 1,3 USD đến 3,15 USD, tùy theo món ăn.
Các cửa hàng ăn tụ tập thành một khu vực riêng ngay bên ngoài cổng vào, chuyên phục vụ những công nhân không muốn ăn trong canteen. Liu, 31 tuổi, đến từ Qianhoucun, cách Trịnh Châu một giờ lái xe. Trước đây Liu từng làm việc tại một nhà máy của Foxconn tại Thâm Quyến của Foxconn. Nhưng sau khi nghe tin công ty mở một nhà máy gần quê, cô cùng chồng đã tiết kiệm tiền để tới đây mở cửa hàng ăn uống. Con trai của Liu vẫn sống ở Qianhoucun với cha mẹ của cô. Hai người được gặp con một lần mỗi tuần vào các ngày chủ nhật, khi nhà máy đóng cửa. Nhiều người làm việc xa quê tại các nhà máy như thế này chỉ về thăm nhà khoảng hai lần một năm, một là vào Tết, hai là dịp nghỉ lễ Quốc khánh.
Liu và các chủ cửa hàng khác hoạt động theo nhịp sinh hoạt của công nhân nhà máy và công việc này rất vất vả. Mọi người phải dậy từ sáng sớm để chuẩn bị bữa sáng, sau khi tất cả rời đi vào lúc 13h, họ phải dọn dẹp và ngủ trong vài giờ. Tiếp đó, cửa hàng mở cửa trở lại khoảng 7h tối để cung cấp bữa tối và phục vụ công nhân làm ca đêm. Tất cả sẽ được ngủ vào khoảng 3h sáng, sau khi đã dọn dẹp xong nhà hàng. Hầu hết mọi đêm, Liu và chồng cô chỉ ngủ ba hoặc bốn tiếng. Liu cho biết cô hiểu sự hấp dẫn của công việc tại Foxconn, nơi tiền lương cao và mọi người phải chịu ít áp lực.
Năm nay, tình hình kinh doanh của nhà máy có vẻ "yên tĩnh" hơn bình thường. Một nửa số cửa hàng trong khu vực đã tạm ngừng hoạt động, vì nơi này dự kiến sẽ bị giải tỏa vào cuối năm. Nhưng ngay cả khi không còn nhiều sự cạnh tranh, Liu và chồng cô vẫn không lãi nhiều như những năm trước đây. Cô ước tính, các năm trước nhà máy có khoảng 120.000 nhân viên, năm nay, số lượng có lẽ chỉ còn một nửa. Bằng chứng là số thức ăn làm sẵn cho buổi trưa thường được bán hết sau nửa giờ, này vẫn còn hơn một nửa dù đã 2h chiều. Liu từng bận rộn đến mức phải thuê sáu nhân viên làm cả ngày, còn bây giờ chỉ cần tới hai người.
Mỗi ngày tại đây đều có công nhân mới xuất hiện. Gần lối vào khu trung tâm, cách mỗi phút lại có một người đến bằng taxi hoặc xe buýt với một chiếc vali lớn và túi đồ ăn đi kèm. Một phần trong số họ đã chắc chắn có việc làm, số khác thì hi vọng vận may sẽ mỉm cười khi tìm đến phỏng vấn ở các trung tâm tuyển dụng gần đó. Tất cả đều biết về cách làm việc tại đây, đặc biệt là chế độ làm thêm giờ. "Thông thường, công nhân không đến trừ khi họ có cơ hội được làm thêm giờ", Liu giải thích. "Họ muốn tiền lương cao hơn".
Trong khu vực này, mọi người có thể nhận ra người khác làm ở bộ phận nào thông qua màu áo họ mặc với thông tin cụ thể ghi trên những chiếc áo ghi-lê đồng phục xanh đỏ. Một nhân viên cho biết tiền lương tại đây khởi điểm là 300 USD (khoảng 7 triệu đồng) một tháng, thấp hơn nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến, nhưng nhiều người lại thích làm việc tại Trịnh Châu vì gần quê và chi phí sinh hoạt rẻ. Hơn nữa, họ có thể tăng lương hàng tháng lên khoảng 676 USD bằng cách làm thêm hơn 60 giờ mỗi tuần. Luật pháp Trung Quốc giới hạn số giờ làm thêm là 36, tuy nhiên nhiều người lao động đã làm nhiều hơn con số này rất nhiều. 60 giờ làm thêm tương đương mỗi ngày làm 14 tiếng, 7 ngày trong một tuần. Sau thời gian thử việc 45 ngày, lương cơ bản có thể tăng lên khoảng 390 đến 500 USD. Tuy nhiên, theo báo cáo của Recode, mức lương năm nay tại nhà máy này vẫn tương đương với năm 2015, dù lương cơ bản có vẻ đã tăng lên. Công nhân làm ca đêm có thể nhận mức lương trung bình lên đến 785 USD, kể cả làm thêm giờ.
Vào lúc 5h chiều, phần lớn công nhân kết thúc ca làm. Đường phố bắt đầu trở nên tắc nghẽn với người, xe hơi, xe máy và xe buýt. Các hàng quán mở dọc theo con đường hàng nghìn công nhân qua lại. Đây cũng là thời điểm thị trấn tràn ngập sức sống nhất trong ngày. Nông dân từ các làng lân cận cũng cố gắng đem trái cây và rau củ tới đây để bán. "Công nhân ở đây có thể mua mọi thứ, từ thực phẩm, mát-xa, phim ảnh...", Ma, một chuyên viên đấm bóp 25 tuổi, người đã chuyển đến khu vực này năm ngoái, chia sẻ.
Buổi tối, mọi người thường ngồi ở một nhà hàng trong khu phức hợp để ăn và uống bia với bạn bè. Chia sẻ trên bàn nhậu, Chen, một công nhân 22 tuổi, cho biết anh đã làm ở đây 2 năm, một mốc thời gian quan trọng bởi thường sau đó rất ít người rời đi. Công việc của anh là kiểm tra iPhone sau khi nó được lắp ráp và đóng gói. Nó khá thoải mái, nhưng lại không có nhiều cơ hội làm thêm giờ. Tại nhà máy này, mọi người không được chọn việc cho mình. Khi có vị trí trống, các công nhân sẽ được chỉ định tới đó làm. Theo Chen, công việc tồi tệ nhất là dây chuyền lắp ráp, nơi công nhân phải làm cùng một công việc liên tục trong 8 hoặc 10, 12 tiếng một ngày. Cũng như một số đồng nghiệp khác, anh từng làm ở nhiều nhà máy khác nhau, từ Oppo tới Xiaomi, rồi sản xuất điều hòa, xây dựng..., nhưng với anh, điều kiện làm việc ở đâu cũng giống nhau.
Sau khi ăn uống, Chen và các bạn chơi bi-a tại một quán bar gần đó, hoặc đi hát karaoke, chơi thể thao trong khu chung cư, hoặc chơi trò chơi điện tử tại quán game. Sau đó, anh đi dạo vài vòng trước khi về ngủ lúc 10 hoặc 11 giờ tối. Giống như mọi người, Chen sống trong ký túc xá, trong một phòng ngủ tập thể chứa được 8 người với giường tầng. Tiền thuê khoảng 25 USD một tháng, chi phí Internet là 3 USD. Tuy nhiên, nơi này hiếm khi đông đúc vì mọi người dành phần lớn thời gian ở ngoài. Những người ghét ký túc xá hoặc có gia đình có thể thuê một căn hộ một phòng ngủ với giá khoảng 65 USD một tháng. Nhưng ít người làm như vậy.