Tính đến ngày 12/2/2019, toàn tỉnh gieo cấy được 58.947/58.854 ha lúa xuân, đạt 100,16% kế hoạch. Các trà lúa giai đoạn đẻ nhánh, các giống P6, Xi23, NX30, XT28 tại Đức Thọ, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh đẻ nhánh rộ, sinh trưởng, phát triển tốt.
Lãnh đạo huyện Đức Thọ xuống đồng kiểm tra tiến độ phát triển của cây lúa. Ảnh Đức Phú
Theo báo cáo của trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã và kết quả điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, bệnh đạo ôn đã xuất hiện trên giống P6, Xi23 tại Trung Lễ, Đức Lâm, Đức Thanh, Đức Tùng (Đức Thọ); Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) với tỷ lệ trung bình 2-3%, nơi cao 5-7%, cục bộ 10-15%; cấp bệnh 1, diện tích nhiễm 25 ha
Dự báo thới gian tới, thời tiết tiết Lập Xuân - Vũ Thủy với hình thái ấm, sương mù kết hợp với cây lúa thời kỳ đẻ nhánh rộ, phát triển mạnh thân lá, đồng thời được bổ sung nguồn đạm từ bón thúc đẻ nhánh là yếu tố thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Để chủ động phòng trừ, hạn chế thiệt hai do bệnh đạo ôn gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật khuyến cáo người dân tuân thủ các biện pháp kỹ thuật sau:
Thường xuyên thăm đồng, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo; khi phát hiện bệnh ngừng bón đạm, không phun các loại phân bón qua lá có chứa đạm, duy trì mực nước mặt ruộng 3-5 cm, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa đẻ nhánh, phát huy hiệu lực của thuốc trừ bệnh; tiến hành xử lý bằng các loại thuốc có nhóm hoạt chất: Isoprothiolare, Propiconazole. Tricyclazole, Fenoxanil, các loại thuốc thương phẩm hiện có trên địa bàn tỉnh như:
Beam 75WP: Pha 16 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
Katoso 200SC: Pha 20-30ml thuốc vào 20 lit nước, phun cho 1 sào 500m2;
Fuji one 40WP, Fu Nhật 40 WP: Pha 35-40 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
Kabim 30WP: Pha 20 gam thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2;
Ninjia 35SE: Pha 50 ml thuốc vào 20 lít nước, phun cho 1 sào 500m2...
Đảm bảo điều tiết đủ nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển. Ảnh Tuệ Anh
Bà con chú ý phun thuốc khi trời tạnh ráo, phun ướt đều bộ lá, sau khi phun thuốc 5-7 ngày, điều tra nếu thấy vết bệnh cấp tính thì tiến hành xử lý thuốc lần 2. Những diện tích bị nhiễm bệnh nặng đã có biểu hiện lụi, cần tiến hành cắt bỏ lá bị bệnh vùi sâu vào trong đất hoặc phơi khô đem đốt để hạn chế nguồn bệnh trên đồng ruộng, sau đó mới tiến hành phun thuốc.
Tập trung điều tiết cung cấp đủ nước để phục vụ công tác tỉa dặm, những ruộng gieo dày cần tỉa thưa hợp lý kết hợp với bón phân thúc giai đoạn đẻ nhánh, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, phát triển.
Bên cạnh bệnh đạo ôn, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bọ trĩ, ruồi đục nõn, rầy lưng trắng, chuột... để chủ động phòng trừ.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; phối hợp với các công ty cung ứng thuốc tổ chức cung ứng kịp thời các loại thuốc đặc hiệu phục vụ phòng trừ bệnh đạo ôn.