Chiều 31/8, bệnh nhân Nguyễn Thị Khành (89 tuổi, trú tại xã Thạch Bàn, huyện Thạch Hà) bị xuất huyết tiêu hoá, loét dạ dày nặng nên được đưa vào khoa Nội tổng hợp BVĐK tỉnh để theo dõi và điều trị. Với nhóm máu cực hiếm (AB+), người thân không đủ điều kiện để truyền máu trong khi ngân hàng máu của bệnh viện lại hết.
Trước tình trạng cấp bách đó, ngay sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ, hai cán bộ công an Hà Tĩnh là Trung uý Lương Văn Kiên (Công an huyện Hương Sơn) và Đại uý Nguyễn Đình Sáng (Phòng An ninh đối nội, Công an Hà Tĩnh) ngay lập tức đến bệnh viện hiến hai đơn vị máu để cứu bệnh nhân.
Trong 4 tháng, Đại uý Nguyễn Đình Sáng đã 2 lần hiến máu cứu người ( Ảnh: Văn Đức)
“Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”- với tâm niệm đó, chị Nguyễn Thị Cẩm Vân (sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh) đã không ngần ngại cùng 5 người khác tham gia trực tiếp hiến máu cứu bệnh nhân Dương Thị Th. (36 tuổi, xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh) qua cơn nguy kịch.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều những trường hợp sẵn sàng hiến máu cứu người, cùng chung tay với BVĐK tỉnh phát triển “Ngân hàng máu sống”. Nhiều đơn vị máu được tiếp nhận từ các tổ chức, CLB hiến máu tình nguyện trên toàn tỉnh đã đáp ứng kịp thời cho công tác cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại BVĐK Hà Tĩnh.
Gần 4.000 đơn vị máu được bệnh viện tiếp nhận, sàng lọc và lưu trữ.
Ông Hoàng Song Hào – Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh) cho biết: “Trong những năm qua, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân trong các hoạt động hiến máu tình nguyện (HMTN), cho nên lượng máu tiếp nhận liên tục tăng, đáp ứng được phần lớn nhu cầu máu phục vụ công tác cấp cứu và điều trị”.
Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, Khoa Huyết học - Truyền máu đã tiếp nhận gần 4.000 đơn vị máu. Ngoài cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị bệnh tại BVĐK tỉnh, máu còn được lưu trữ tại trung tâm huyết học để cung cấp cho tất cả các bệnh viện trong tỉnh.
Mặc dù nhiều đơn vị máu được chuyển về khoa Huyết học - Truyền máu, song tình trạng thiếu máu trong công tác cấp cứu, điều trị vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, ông Hào cũng cho biết thêm: Không phải lúc nào bệnh viện cũng đủ máu để cấp cho người bệnh. Có thời điểm bệnh viện thiếu máu trầm trọng, cứ vào dịp hè, những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán lại diễn ra tình trạng thiếu máu. Nguyên nhân là do vào thời điểm cuối năm, nhiều cơ quan, đơn vị bận rộn với các hoạt động tổng kết; sinh viên, học sinh (lực lượng chính tham gia hiến máu) bước vào kỳ thi, hoặc nghỉ Tết, kèm theo thời tiết mưa, rét kéo dài khiến nhiều người dân ngại đến các điểm HMTN.
...nhiều trường hợp bệnh nhân nguy kịch nhưng không có máu để cấp cứu, các bác sỹ tại bệnh viện đã trực tiếp hiến máu cứu người.
Đăc biệt là nguồn máu hiếm còn khan hiếm. Tuy nhiên, bệnh viện cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ nhóm máu hiếm để đảm bảo công tác điều trị và cấp cứu khi cần thiết.
Để khắc phục tình trạng thiếu máu trong cấp cứu và điều trị, BVĐK tỉnh Hà Tĩnh tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, các câu lạc bộ HMTN trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm tổ chức thực hiện các đợt hiến máu cứu người.
Để đảm bảo công tác cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, Trưởng khoa Huyết học- Truyền máu Đặng Thị Thuý Hà mong muốn có nhiều hơn nữa sự chung tay của toàn xã hội trong việc hiến máu cứu người.
Bệnh viện cũng đang tăng cường các hoạt động chăm sóc người hiến máu, người hiến máu được khám và tư vấn sức khỏe miễn phí, được kiểm tra và thông báo kết quả các xét nghiệm máu (hoàn toàn bí mật): nhóm máu, HIV, virut viêm gan B, virut viêm gan C, giang mai, sốt rét. Trong trường hợp người hiến máu có nhiễm hoặc nghi ngờ các mầm bệnh này thì sẽ được bác sỹ mời đến để tư vấn sức khỏe, được bồi dưỡng và chăm sóc theo các quy định hiện hành.
Bà Đặng Thị Thúy Hà, Trưởng khoa Huyết học – Truyền máu bày tỏ mong muốn: Các địa phương, ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành y tế đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia HMTN một cách sâu rộng và bền vững, nhằm mục đích duy trì “ngân hàng máu sống” xuyên suốt, đảm bảo công tác cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân.