Chương trình được tổ chức tại 7 điểm cầu, trong đó có Hà Tĩnh. Thủ tướng Chỉnh phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại điểm cầu Bộ TT&TT.
7 điểm cầu tham gia chương trình gồm: Bộ TT&TT, Bộ Y tế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Mường Khương (Lào Cai), Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Xương (Thanh Hóa) và 2 điểm cầu cơ sở khác ở nhà bệnh nhân tại Hà Nội, Thanh Hóa.
Điểm cầu tại Hà Tĩnh được tổ chức tại BVĐK TP Hà Tĩnh, lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh tham dự.
Trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, để hỗ trợ người dân chăm sóc y tế khi không thể đến bệnh viện, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ TT&TT phối hợp triển khai mô hình khám, chữa bệnh từ xa tới các hộ gia đình.
Bộ Y tế lựa chọn Trường Đại học Y Hà Nội để làm thí điểm triển khai mô hình với một số bệnh viện vệ tinh. Sau khi được Bộ Y tế lựa chọn, trường đã chỉ đạo Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xem xét phối hợp với một số bệnh viện có điều kiện nhân lực, trang thiết bị cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, mô hình bệnh tật phù hợp.
BVĐK thành phố Hà Tĩnh được Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chọn khai trương khám chữa bệnh từ xa
Tại điểm cầu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh, các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã khám, chẩn đoán từ xa cho một bệnh nhân bị viêm phổi. Qua các hình ảnh được BVĐK TP Hà Tĩnh gửi về, các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho bệnh nhân.
Mục đích của mô hình khám, chữa bệnh từ xa là giúp người bệnh được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao, giảm tải cho cơ sở khám, chữa bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19; thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Tại buổi khai trương, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chẩn đoán, điều trị từ xa cho một ca bệnh viêm phổi tại BVĐK TP Hà Tĩnh.
Trong buổi khai trương nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh từ xa, Công ty CP Bkav cũng đã ra mắt ứng dụng Bluezone phòng, chống Covid-19.
Bluezone là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp BLE (Bluetooth low energy). Các smartphone được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao lâu.
Nếu có F0, cơ quan y tế có thẩm quyền nhập dữ liệu F0 vào hệ thống. Hệ thống sẽ gửi dữ liệu F0 đến tất cả các smartphone trong cộng đồng Bluezone. Khi đó, lịch sử tiếp xúc với F0 sẽ được Bluezone trên máy phân tích, so sánh. Nếu có sự trùng khớp, ứng dụng sẽ lập tức cảnh báo cho người dùng có nguy cơ lây nhiễm COVID-19. Màn hình điện thoại cũng xuất hiện hướng dẫn liên hệ với cơ quan y tế có thẩm quyền để nhận trợ giúp. Bluezone cũng có thể giúp cảnh báo người thuộc nhóm F2 (tiếp xúc gần với Fl).
Ảnh: TTXVN
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, việc triển khai khám chữa bệnh từ xa là hoạt động hết sức cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, giảm tải tối đa cho bệnh viện, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị 2 bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành y tế, hình thành dữ liệu quốc gia về y tế.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai quyết liệt công tác khám chữa bệnh từ xa, thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục nhân rộng; việc khám chữa bệnh từ xa phải lựa chọn các y bác sỹ có chuyên môn cao để tư vấn hiệu quả, chính xác cho người dân, tránh “sai một ly, đi một dặm”.
Viettel phối với với Công ty CP Bakv hướng dẫn, phổ cập ứng dụng Bluezone để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để thực hiện mạnh mẽ dịch vụ công trực tuyến trên tinh thần công khai, minh bạch, giảm giấy tờ, giảm thủ tục.