Kết quả từ thực tiễn
Năm 2013, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn (phường Thạch Qúy – TP Hà Tĩnh) bị thu hồi 180 m2 đất ở xã Thạch Trung để phục vụ dự án đường vành đai khu đô thị Bắc. Gia đình ông đề nghị UBND thành phố xem xét cấp đất tái định cư để sớm ổn định cuộc sống.
Đến 10/7/2019, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 1089/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bố trí giao đất tái định cư và thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính cho hộ gia đình ông Sơn.
Tại các phiên tiếp công dân vừa qua, những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được phân loại thành các nhóm. Công dân làm việc với Ban Tiếp công dân TP Hà Tĩnh trước, sau đó tùy trường hợp cụ thể để hướng dẫn giải quyết theo thẩm quyền.
Được Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh chỉ đạo tiếp và xử lý sau tiếp công dân đúng quy định, ông Sơn bày tỏ: “Tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị, lắng nghe dân của Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh. Tôi biết, có nhiều vụ việc phức tạp, thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn nên việc giải quyết xong “một sớm một chiều” là điều khó thực hiện”.
Sau nhiều lần “gõ cửa” cơ quan chức năng đề nghị sớm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thành, bà Đặng Thị Cầm (phường Hà Huy Tập) đã trình bày ý kiến với Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh tại phiên tiếp công dân tháng 6 vừa qua. Với sự chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, đến nay, bà Cầm đã được cấp "bìa đỏ".
Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnh gặp gỡ, động viên công dân trong phiên tiếp.
Đó là 2 trong số 20 vụ việc được hoàn thành dứt điểm sau hơn 4 tháng Bí thư Thành ủy triển khai thực hiện Quy định số 11 – QĐi/TW ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp và xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân.
Qua 4 phiên tiếp công dân có 62 lượt người tham dự. Đến nay, thành phố đã hoàn thành 20 vụ việc, 22 vụ việc mới tiếp nhận hoặc đang giải quyết hoặc đang thuộc thẩm quyền của cơ quan cấp trên. |
Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu
Tại các phiên tiếp công dân vừa qua, các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo được phân loại thành nhóm để việc xử lý được thuận lợi, kịp thời, đúng quy định.
Theo đó, đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền, Ban Tiếp công dân TP Hà Tĩnh tiếp nhận, giải thích, báo cáo để đôn đốc, đề xuất cấp trên xử lý. Đối với các nội dung mà thành phố đã giải quyết hết thẩm quyền thì hướng dẫn bà con thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng quy định. Trường hợp công dân khiếu nại các vấn đề thuộc thẩm quyền cấp phường xã, nhưng chưa khiếu nại ở cơ sở thì hướng dẫn bà con gửi đơn đúng cấp thẩm quyền, đồng thời theo dõi, đôn đốc việc xử lý của các phường xã…
Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố cùng chủ trì buổi tiếp công dân
Đặc biệt, tại mỗi phiên tiếp dân, lãnh đạo Thành ủy và UBND TP Hà Tĩnh cùng lắng nghe các kiến nghị để thống nhất trong chỉ đạo giải quyết.
Qua nắm bắt thực tiễn, chúng tôi xác định số lượng vụ việc công dân có nội dung kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác Đảng không đáng kể mà chủ yếu thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan chính quyền. Do đó, ngay khi triển khai Quy định 11, TP Hà Tĩnh đã kết hợp Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố cùng tiếp dân một phiên. Việc này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo, qua đó, các phòng, ban, địa phương tập trung giải quyết theo định hướng chỉ đạo, tránh sự đùn đẩy, né tránh như trước đây.
Tuy nhiên, số vụ khiếu nại, tố cáo tại TP Hà Tĩnh vẫn còn nhiều, một số vụ việc còn chậm được giải quyết, chưa dứt điểm; sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thiếu chặt chẽ… dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, người dân bức xúc, tiếp tục gửi đơn.
Để khắc phục tình trạng này, TP Hà Tĩnh xác định trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường tuyên truyền chính sách liên quan giúp người dân hiểu và đồng thuận; nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo… Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở phải coi đây là công việc thường xuyên, quan trọng, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp cần xác định rõ thẩm quyền, chủ động đối thoại, nắm tình hình, giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, nhất là với các vấn đề nóng. Chỉ có sự lắng nghe, đi đến cùng vụ việc, mới tạo được sự đồng thuận, tránh được tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo "chạy" lòng vòng, vượt cấp; khiếu kiện kéo dài nhiều năm không dứt.