Vùng đất chuyên canh lạc hơn 1.000 ha, cho sản lượng hơn 3.000 tấn là nguồn nguyên liệu dồi dào, chất lượng để cung ứng cho cơ sở ép dầu lạc Lý Úy (ảnh tư liệu)
Mấy ngày nay, chị Lý cùng 4 nhân công trong cơ sở dầu lạc Lý Úy tất bật hơn bởi ngoài việc phục vụ khách hàng đến ép dầu, đảm bảo nguồn dầu cung cấp cho thị trường như thường lệ thì họ phải gấp rút chuẩn bị 50 lít dầu lạc cho một khách hàng mới đặt mua từ Hà Nội. Vì vậy, không khí lao động khẩn trương, hệ thống dây chuyền máy móc, công nhân làm việc… đã được huy động tối đa.
Để sản phẩm bảo quản được lâu (khoảng 1 năm) và có độ thơm ngon thì nguyên liệu phải được đưa vào tủ hấp chín.
Tuy đây không phải là “chính vụ” (từ tháng 5 đến tháng 7 âm lịch là sản xuất nhiều nhất) nhưng ở cơ sở này, ngày nào cũng rộn ràng không khí sản xuất. Hằng tháng, ngoài việc phải chế biến 2 tấn nguyên liệu (cho ra khoảng 600 lít dầu) để đảm bảo nguồn cung cho thị trường trong và ngoài tỉnh, cơ sở còn ép thuê thêm 2 tấn nguyên liệu nữa để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.
Chị Phan Thị Lý - chủ cơ sở dầu lạc Lý Úy thông tin: “Hiện nay, nhu cầu thực phẩm sạch, có nguồn gốc tự nhiên, giàu dinh dưỡng và có lợi cho sức khỏe đang tăng nhanh, trong khi trên địa bàn chưa có nhiều cơ sở sản xuất dầu lạc phục vụ thị trường. Nhu cầu cao, nguồn hàng lớn nên chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư máy móc, thuê nhân lực (4 người, lương 4,5 triệu đồng/người/ tháng), tiến hành sản xuất theo hướng hàng hóa gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATVSTP, đa dạng hóa mẫu mã… Qua đó, giúp duy trì sản xuất đều đặn, đưa sản phẩm chiếm lĩnh thị trường và giúp Nhân dân trong vùng được sử dụng dầu sạch”.
Cơ sở dầu lạc Lý Úy được thành lập cách đây 6 năm, quy mô và sản lượng ngày một lớn. Hiện mỗi năm, cơ sở sản xuất, tiêu thụ gần 7.000 lít dầu và 5.500 kg khô lạc (xác lạc sau khi ép lấy dầu), mang về doanh thu hơn 900 triệu đồng, lợi nhuận 140 triệu đồng.
Sản phẩm dầu lạc Lý Úy được chiết ép 100% từ lạc theo quy trình: lạc củ sau thu hoạch được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, cho vào máy nghiền vỏ bóc tách hạt, loại bỏ những hạt xấu và hư hỏng, hấp chín bằng hơi, cho vào máy ép, qua nồi lọc tinh chất dầu và đóng chai tiêu thụ.
Lạc hấp chín được trộn với khô (bã dầu lạc của mẻ trước) để tạo độ ẩm trước khi cho vào máy ép.
Từ loại nông sản đặc trưng của vùng đất cát pha Lộc Hà, cơ sở dầu lạc Lý Úy đã ép được tinh chất dầu lạc được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng đánh giá cao vì màu sắc bắt mắt, không sử dụng chất phụ gia, chất lượng tốt, có thể thay thế hoàn toàn dầu ăn có nguồn gốc từ động vật…
Chị Nguyễn Thị Tâm (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Do nguồn gốc nguyên liệu tốt, chất lượng sản phẩm đảm bảo, cung ứng đúng thời hạn nên mấy năm nay, mỗi tháng tôi đều mua từ 10 - 15 lít dầu lạc Lý Úy để dùng, cho các nhà chùa để phục vụ ăn chay, mua giúp cho bạn bè và người thân khắp trong Nam, ngoài Bắc… Dùng sản phẩm này ai cũng thích vì nó có lợi cho sức khỏe, có hương thơm và vị béo đặc trưng”.
Thực hiện đóng chai sản phẩm
Chị Phan Thị Lý cho biết thêm: "Để phát triển sản xuất, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư 1 tỷ đồng để mở rộng mặt bằng nhà xưởng từ 50 m2 lên 150 m2 và mua thêm nồi hơi hấp, máy bóc vỏ, máy ép dầu, máy băm bã lạc… với trị giá hơn 300 triệu đồng. Đây là cơ sở quan trọng để chúng tôi nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sản lượng ép và được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao (cuối năm 2021).
Hiện nay, chúng tôi đang tập trung hướng tới mục tiêu sản xuất 7.800 lít (năm 2022), 12.000 lít (năm 2023), rồi tăng hơn trong những năm tiếp theo. Qua đó tăng tổng doanh thu của 3 năm tới lên gần 5 tỷ đồng, tổng lợi nhuận đạt 600 triệu đồng".
Các sản phẩm đóng chai đủ các kích cỡ và được bán với giá từ 100 - 120 ngàn đồng/ lít tùy thời điểm.
Ông Phan Bá Ninh – Phó chánh Văn phòng NTM huyện Lộc Hà cho biết: “Sau nhiều cố gắng, sản phẩm dầu lạc Lý Úy đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Hiện nay, cơ sở sản xuất này đang tập trung nâng cao chất lượng, quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ… để đưa đặc sản mang đậm hồn cốt của quê hương vươn xa. Qua đó góp phần tạo việc làm cho lao động, bao tiêu nông sản, thúc đẩy thương mại - dịch vụ phát triển và mang đến cho người tiêu dùng một sản phẩm tốt có nguồn gốc từ thực vật”.