Với smartphone dùng vỏ kim loại
Có thể nói, smartphone có vỏ kim loại đang được người dùng ưa chuộng nhất, bằng chứng là các model dùng chất liệu này đang chiếm thị phần lớn. Tuy nhiên, một điểm dễ nhận thấy, là bề mặt của chúng dễ bị xước nếu như không có ốp lưng bảo vệ và miếng dán màn hình. Trên thực tế, vì vẻ đẹp bên ngoài, không ít người dùng bỏ qua ốp lưng và điều này khiến máy nhanh bị trầy xước hơn sau một thời gian sử dụng.
Kem đánh răng là chất liệu xóa vết xước điện thoại đơn giản và kinh tế nhất. |
Đối với các vết xước nhỏ, kem đánh răng là giải pháp tốt nhất. Ví dụ, với vết xước trên iPhone 6, người dùng chỉ cần bôi một ít kem đánh răng lên chỗ bị xước, thoa đều (tốt nhất là dùng khăn ẩm để xoa) theo hình tròn trong khoảng 5 đến 10 phút, dùng khăn khô lau lại khoảng 3 đến 5 phút là vết xước biến mất.
Đối với smartphone dùng khung thép (như iPhone X hay Galaxy Note8, Galaxy S9...), một tuýp kem đánh bóng kim loại (với giá thị trường khoảng 50.000 đồng) là giải pháp tốt nhất. Ví dụ, người dùng có thể xử lý vết xước trên khung viền iPhone X, bằng cách dùng khăn lau hoặc giấy mềm, bôi một ít kem vào khăn/giấy và lau vào bề mặt của viền (lưu ý các lỗ micro hoặc loa, cổng sạc) và chà xát cho đến khi bề mặt này trở nên bóng bẩy (khoảng một đến hai phút).
iPhone X sử dụng khung thép. |
Lưu ý, cách trên chỉ sử dụng cho máy dùng khung thép hoàn toàn, không dùng cho máy có khung kim loại được mạ bóng bên ngoài để tránh việc đánh bay lớp mạ này, từ đó khiến smartphone xấu hơn.
Với smartphone vỏ kính
Kem đánh răng vẫn là chất liệu rẻ và khá hữu hiệu đối với vết xước smartphone dùng kính. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn rất nhiều chất liệu rẻ nhưng hiệu quả khác, như dầu ăn, phấn rôm (phấn thơm trẻ em) hay baking soda (muối nở).
Dầu ăn là cách để giảm vết xước tạm thời hiệu quả, bằng cách nhỏ vào bề mặt xước một giọt dầu và dùng vải mềm, sạch thoa đi thoa lại khoảng 3 đến 5 phút. Phấn rôm sau khi hòa với nước, dùng vải mềm lau sạch và sau đó lau lại bằng khăn ẩm. Với baking soda, trộn 2 phần bột với một phần nước, khuấy thành hỗn hợp đặc quánh, dùng vải mềm và hỗn hợp này để xoa lên bề mặt xước theo hình vòng tròn. Với các cách này, không chỉ sử dụng cho mặt kính ở lưng, mà còn có thể áp dụng cho màn hình máy.
Hỗn hợp baking soda và nước có thể xử lý vết trầy hiệu quả. |
Với các vết xước có vệt rõ rệt và sâu, các loại kem bỏ vết xước dành cho xe hơi là giải pháp. Bên cạnh đó, giấy nhám cũng là công cụ hữu hiệu để giúp mặt sau smartphone sáng bóng, tất nhiên loại giấy nhám dùng cho smartphone có bề mặt mịn, độ mài mòn thấp, đi kèm dung dịch khác như kem đánh răng hoặc baking soda. Việc xử lý bằng giấy nhám cũng hết sức khéo léo bởi nếu không, rất có thể sẽ "chữa lợn lành thành lợn què", khiến máy bị xước nặng hơn.
Với smartphone vỏ nhựa
Hiện nay, smartphone vỏ nhựa còn rất ít trên thị trường và hầu hết là các sản phẩm giá rẻ. Tuy nhiên, nếu muốn tân trang cho chúng, cách đơn giản nhất là sử dụng máy sấy tóc. Đầu tiên, bật máy ở chế độ nhiệt thấp, để khoảng cách khoảng 10cm và thổi dọc theo vết xước. Khi thấy vết xước mờ dần đi, chờ trong vòng 10 đến 15 phút rồi quét lên đó một lớp sơn móng tay trong suốt.
Kem đánh bóng xe hơi cũng giảm xước hiệu quả cho bề mặt nhựa. Cách làm như với bề mặt kính: dùng khăn chùi hết bụi bẩn bám trên bề mặt bị xước, thoa đều kem đánh bóng lên và lau sạch lại bằng khăn mềm.
Sáng tạo ốp lưng mới với ốp trong suốt và hoa đã ép khô. |
Ngoài ra, với smartphone đã có ngoại hình quá cũ và các cách trên không thể áp dụng được, ốp lưng là giải pháp thay thế hữu hiệu. Người dùng có thể mua ốp lưng loại trong suốt (khoảng 30.000 đến 100.000 đồng), sử dụng giấy màu, sơn hoặc hoa khô... để trang trí cho chiếc điện thoại cũ. Điều này không chỉ làm thiết bị trở nên mới hơn, mà nó còn tạo sự độc đáo, mới lạ.