Cảnh sát Indonesia dùng hơi cay trấn áp người biểu tình ở thủ đô Jakarta đêm 22/5. video: Reuters.
Khoảng 1.000 người ủng hộ ứng viên tổng thống Prabowo Subianto đêm 22/5 tập trung tại cơ quan giám sát bầu cử (Bawaslu) ở thủ đô Jakarta để biểu tình phản đối kết quả tổng tuyển cử.
Hơn 40.000 cảnh sát và quân nhân được triển khai ở Jakarta để đảm bảo biểu tình không biến thành bạo loạn. Cuộc biểu tình kết thúc một cách hòa bình, nhưng sau đó cảnh sát phải sử dụng hơi cay khi một số người biểu tình ném pháo hoa và các vật thể vào lực lượng thực thi pháp luật.
"Cảnh sát đã bắt hơn 20 người mà chúng tôi cho là những kẻ kích động bạo loạn và phạm một số tội khác", phát ngôn viên cảnh sát Dedi Prasetyo cho biết, thêm rằng cảnh sát đang kiểm tra các báo cáo về thương vong, nhưng nhấn mạnh rằng các nhân viên an ninh, bao gồm quân nhân, không được trang bị đạn thật. Trang Tirto đưa tin một người đàn ông đã thiệt mạng vì trúng đạn.
Bộ trưởng An ninh Wiranto cho biết tại một cuộc họp báo rằng cơ quan này đã có kế hoạch ứng phó "các cuộc biểu tình lớn tại Ủy ban Tổng tuyển cử (KPU), Bawaslu, quốc hội và dinh tổng thống". Ông cũng khẳng định sẽ đảm bảo an ninh và cảnh báo trừng phạt mạnh tay đối với những hoạt động phạm tội.
KPU hôm 21/5 thông báo kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 17/4, sớm hơn một ngày so với kế hoạch do lo ngại tình trạng bất ổn và các cuộc biểu tình phản đối kết quả. Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo đánh bại đối thủ là cựu tướng Prabowo với tỷ lệ phiếu 55,5% so với 44,5%.
Prabowo cho hay ông tin rằng đã có tình trạng gian lận phiếu trên diện rộng và cam kết "tiếp tục thực hiện các nỗ lực pháp lý phù hợp hiến pháp để bảo đảm sự ủy thác của người dân". Sufmi Dasco Ahmad, giám đốc pháp lý chiến dịch tranh cử của Prabowo, xác nhận họ đã lên kế hoạch phản đối kết quả bầu cử tại tòa hiến pháp.
Cảnh sát Indonesia sử dụng vũ khí trong cuộc đụng độ với người biểu tình ở thủ đô Jakarta đêm 22/5. Ảnh: Reuters. |
Cơ quan giám sát bầu cử Indonesia hôm 20/5 bác bỏ tuyên bố về gian lận có hệ thống với lý do thiếu bằng chứng. Các nhà quan sát độc lập nói rằng cuộc bỏ phiếu diễn ra tự do và công bằng.
Nhà chức trách trước đó đã thắt chặt an ninh ở Jakarta sau khi cảnh sát bắt hàng chục nghi phạm khủng bố liên quan đến nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, bao gồm một số người định kích nổ bom tại các cuộc biểu tình khi kết quả bầu cử được công bố. Cảnh sát cũng bắt hoặc thẩm vấn ít nhất ba thành viên hàng đầu của phe đối lập vì nghi ngờ phản quốc.
Ứng cử viên thua cuộc có thể phản đối kết quả tại tòa hiến pháp trong ba ngày, nếu không hội đồng bầu cử sẽ tuyên bố người chiến thắng. Năm 2014, ứng viên Bohowo cũng phản đối việc Widodo giành chiến thắng lên tòa hiến pháp nhưng không thành công.