CBCS Ban CHQS huyện Vũ Quang tham gia khảo sát, đánh giá tình hình PCCR cùng các lực lượng chức năng.
Vũ Quang là huyện miền núi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lên đến 49.958 ha, trong đó có nhiều khu vực dễ cháy. Thực hiện mệnh lệnh chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu thực tiễn tại địa phương, mấy ngày qua, Ban CHQS huyện Vũ Quang đã huy động gần 50 CBCS cùng tham gia với lực lượng kiểm lâm, công an, chủ rừng… phát đường băng cản lửa, dọn dẹp thực bì ở những vùng rừng có nguy cơ cháy cao ở xã Thọ Điền. Riêng lực lượng vũ trang đã phát dọn được hơn 2km; đến tận nhà tuyên truyền, hướng dẫn cho 20 hộ dân có rừng thực hiện các biện pháp phòng cháy.
Kiểm tra trang thiết bị, máy móc để sẵn sàng ứng cứu khi rừng Vũ Quang bị cháy.
Trung tá Đoàn Ngọc Sơn – Phó Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Vũ Quang cho biết: “Hằng năm, chúng tôi đều quán triệt nghiêm tinh thần chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh và Ban Thường vụ Huyện ủy Vũ Quang về tham gia nhiệm vụ PCCCR. Theo đó, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động sát đúng với thực tiễn, có sự phân công, điều động rõ ràng và tập trung ưu tiên cho những vùng rừng có nguy cơ cháy cao. Ngoài ra, chúng tôi cũng mua sắm, bảo quản tốt phương tiện, dụng cụ chữa cháy gồm 2 máy thổi, 6 cưa xăng, hàng chục giao phát cùng nhiều loại phương tiện, dụng cụ cần thiết khác”.
Quân nhân, DQTV địa phương tham gia phát dọn thực bì những vùng rừng dễ cháy ở xã Thọ Điền (Vũ Quang).
Để bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng, CBCS lực lượng vũ trang ở huyện Hương Sơn cũng đã vào cuộc. Trung tá Dương Kim Tiến – Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Hương Sơn thông tin: “Ngoài việc chuẩn bị kế hoạch, phương tiện, dụng cụ, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng lực lượng để tham gia các phần việc như: tuyên truyền trong Nhân dân, chốt chặn các điểm vào rừng, điều động khoảng gần 1.500 lượt CBCS (chủ yếu là dân quân cơ động) tham gia phát dọn thực bì, đường băng cản lửa... Nếu xảy ra cháy rừng, chúng tôi sẽ điều động nhân lực và phương tiện tham gia ứng cứu, tối đa có thể lên đến gần 700 CBCS với đầy đủ trang bị cần thiết”.
Ban CHQS huyện Hương Sơn báo động kiểm tra công tác sẵn sàng tham gia nhiệm vụ PCCR.
Hà Tĩnh có 364.664 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó, có rất nhiều diện tích rừng dễ cháy. Để nâng cao khả ứng phó với cháy rừng, các đơn vị quân đội ở Hà Tĩnh đã chủ động làm tốt công tác chuẩn bị và tích cực tham gia các hoạt động cần thiết, nhất là những địa phương có nhiều rừng như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, Hồng Lĩnh, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh…
Đặc biệt, toàn lực lượng đã có kế hoạch huy động khoảng 4.000 người (CBCS trong các đơn vị quân đội 300 người, còn lại là DQTV); chuẩn bị sẵn sàng 9 ô tô, 5 máy thổi gió, 3 máy cưa và hàng nghìn dụng cụ cầm tay; hiệp đồng sẵn sàng 3 xe ô tô, 6 xe cứu hỏa, 16 bình chữa cháy, 6 bình khí, 10 máy thổi gió…
Lực lượng DQTV Hương Khê tham gia phát dọn đường băng cản lửa, sửa chữa biển tường cấm lửa.
Thời tiết đang vào độ nắng nóng, nguy cơ cháy rừng cao nên đông đảo CBCS trong các ban chỉ huy quân sự huyện và lực lượng dân quân cơ động ở các xã có rừng đang tích cực vào cuộc cùng các lực lượng: kiểm lâm, công an, biên phòng, chủ rừng thực hiện công tác phòng chống cháy rừng…
Nhiệm vụ chủ yếu là cùng phối hợp, tham gia phát dọn thực bì, tuần tra kiểm soát cửa rừng, tiếp nhận thông tin cháy rừng, treo biển cấm lửa, đưa các loại vật liệu dễ cháy ra khỏi rừng. Ngoài ra, các CBCS cũng phối hợp tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân, tham gia kiểm soát người vào rừng đốt than và lấy mật ong, ngăn chặn tình trạng xử lý thực bì trái phép….
Cán bộ, chiến sỹ các đơn vị LLVT luôn tích cực tham gia phát dọn thực bì trong những đợt cao điểm nắng nóng.
Đại tá Nguyễn Hữu Thông – Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh cho biết: “Để tham gia PCCCR hiệu quả, chúng tôi đã kiện toàn ban chỉ huy các cấp gắn với nâng cao trách nhiệm năng lực trong chỉ đạo, kiểm tra, bảo đảm thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng khác để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ động xử lý kịp thời mọi tình huống. Chỉ huy các đơn vị trực thuộc cũng căn cứ vào nhiệm vụ được giao để tổ chức điều chỉnh phương án, bổ sung kế hoạch, triển khai tốt tất cả các phần việc có liên quan để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hoả hoạn, cháy rừng gây ra”.