Bộ Giao thông chấp thuận miễn, giảm giá dịch vụ của 21 dự án BOT

Các trạm thu phí BOT như cầu Rác, Bến Thủy, Bờ Đậu, Biên Hòa, Sóc Trăng... mà đỉnh điểm là BOT Cai Lậy đã bị lái xe và người dân liên tục phản đối bằng cách dùng tiền lẻ trả phí, hoặc cố tình để phương tiện nằm chình ình làn thu phí gây ùn tắc giao thông kéo dài, khiến nhà đầu tư liên tục phải tiến hành xả trạm.

bo giao thong chap thuan mien giam gia dich vu cua 21 du an bot

Tài xế phản ứng mức thu phí làm tê liệt nhiều giờ ở trạm BOT Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Để tháo gỡ các "ngòi nổ" trạm phí BOT, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với nhà đầu tư rà soát các trạm BOT điều chỉnh mức phí cho người dân sinh sống quanh trạm và phương tiện lưu thông qua với mức giảm dao động từ 7-25% để giảm bức xúc và gánh nặng đến chủ xe đồng thời tính toán lại thời gian thu phí, cập nhật lại phương án tài chính tránh để nhà đầu tư vỡ nợ, gây áp lực lên ngân hàng.

Trong tổng số 54 dự án đang thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức BOT, hiện có 41 dự án đã tổ chức đàm phán, thống nhất giảm giá dịch vụ sử dụng đường bộ đối với các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú lân cận trạm thu giá; 13 dự án không tổ chức đàm phán do phương án tài chính không khả thi, mức giá thấp. Bộ Giao thông Vận tải có văn bản chấp thuận và thực hiện miễn, giảm giá 21 dự án.

Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải đã miễn, giảm giá cho các phương tiện khu vực trạm thu phí tại các trạm như Quốc lộ 6, Quốc lộ 32, trạm cầu Hạc Trì, Quốc lộ 3, Bến Thủy, Cầu Rác, Km1064 (Quốc lộ 1 tỉnh Quảng Ngãi), Quán Hàu, Cai Lậy, Quốc lộ 91, Pháp Vân-Cầu Giẽ, Đại Yên Quốc lộ 18, tuyến tránh thành phố Biên Hòa, Sông Phan, BOT Quảng Trị, BOT Bạc Liêu, BOT Nam Bình Định, Cần Thơ-Phụng Hiệp, Ninh An, trạm Hoàng Mai…

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương, nhà đầu tư dự án căn cứ điều kiện cụ thể của từng dự án, vị trí của từng trạm thu giá để đề xuất phương án xử lý các bất cập tại các trạm thu giá trên nguyên tắc khả thi về phương án tài chính, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổng cục Đường bộ đã lấy ý kiến các địa phương, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án về thực hiện chủ trương trên. Căn cứ ý kiến các địa phương, nhà đầu tư, Tổng cục đã xây dựng phương án xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, trong đó có nội dung giảm giá chung và giảm giá cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú lân cận trạm thu giá. Từ đó, Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận phương án giảm giá.

Khẳng định không thể giảm giá chung đồng loạt cho các trạm thu giá BOT, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ chỉ ra lý do vì trong số 54 trạm thu giá BOT đang khai thác, có đến 13 dự án có lưu lượng xe thấp hơn dự kiến, nếu giảm giá sẽ phá vỡ phương án tài chính của dự án.

“Tổng cục Đường bộ đang tiến hành tính toán, rà soát, đàm phán với các nhà đầu tư cụ thể từng dự án để có mức giảm hợp lý. Đối tượng và mức giá giảm được xác định trên cơ sở đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính và thỏa thuận giữa nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền,” lãnh đạo Tổng cục nhấn mạnh.

Trong khi chờ đợi cuộc rà soát, đàm phán của Tổng cục Đường bộ cũng như cái “gật đầu” của Bộ Giao thông Vận tải về phương án miễn, giảm phí, nhà đầu tư BOT như đang ngồi trên đống lửa khi canh cánh lo phương án hoàn vốn cho dự án đồng thời phải đối phó với “cuộc chiến tiền lẻ” và đề nghị cơ quan Nhà nước xử lý các đối tượng gây rối an ninh trật tự tại trạm phí.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, ngoài việc rà soát giảm phí các trạm BOT, cơ quan quản lý Nhà nước mà đặc biệt là Bộ Giao thông Vận tải phải đẩy nhanh tiến độ các trạm thu phí không dừng để minh bạch công tác thu phí cũng như thời gian hoàn vốn của nhà đầu tư. “Thu phí thủ công mất rất nhiều thời gian trong khi thu phí tự động không dừng thì chủ xe đi qua trạm có thiết bị giám sát và người dân được giám sát một xe đi qua thu được bao nhiêu, một ngày thu được bao tiền. Công nghệ này hoàn toàn minh bạch khi các thông số hiện lên và Nhà nước có thể hậu kiểm từ nhiều nguồn dữ liệu truyền từ trạm phí cũng như dòng tiền chuyển về các ngân hàng để khấu trừ thời gian thu,” một chuyên gia giao thông nhìn nhận.

Về tình hình phức tạp chung của các dự án BOT hiện nay, tại buổi tổng kết Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào đầu tháng Một, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ Giao thông Vận tải cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ phối kết hợp để tham mưu cho Chính phủ xử lý những vấn đề vướng mắc hiện nay của BOT theo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ.

“BOT trong thời gian qua nóng, chúng ta đã làm hết trách nhiệm chưa? Để BOT giảm nóng phải quyết toán xong và thu phí tự động. Năm 2018 không xong là các đơn vị phải chịu trách nhiệm với người dân, không thể để nóng như vậy kéo dài mãi.”/.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm

Giá xăng, dầu cùng giảm 250-390 đồng một lít, kg từ 15h, sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.
Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.