Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) |
Không tác động nhiều đến người thu nhập thấp
Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu có tính chất lũy thoái so với thu nhập. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào nhóm hàng, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng. Theo luật thuế giá trị gia tăng, các mặt hàng lương thực, thực phẩm trực tiếp sản xuất và bán ra, giáo dục, y tế,... đều không chịu thuế giá trị gia tăng. Hoặc hàng hóa, dịch vụ như thuốc chữa bệnh, phòng bệnh; hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp; lương thực thực phẩm qua khâu thương mại…sẽ chịu thuế ở mức ưu đãi 5%.
Dẫn báo cáo của Tổng cục Thống kê về mức sống của người dân Việt Nam năm 2014, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới gần 60% thu nhập để chi mua mặt hàng không phải chịu mức thuế giá trị gia tăng là lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục. Trong đó, nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành gần 40% chi tiêu để mua những mặt hàng này.
Ông Thi lấy ví dụ, với một hộ gia đình có thu nhập 7 triệu đồng/tháng thì chi khoảng 3,5 triệu đồng/tháng cho mặt hàng không phải chịu thuế giá trị gia tăng như lương thực, thực phẩm, y tế, giáo dục. Đối với khoản chi còn lại cho hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% và 10% là 3,5 triệu đồng.
Theo đánh giá của ông Thi, việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% khiến gia đình này trả thêm mỗi tháng cao nhất là 70.000 đồng. Ông Thi cho biết thêm, tại Việt Nam, 20% hộ nghèo chỉ tiêu dùng 9% mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng. Trong đó, nhóm có thu nhập cao nhất dành 40% chi tiêu cho những mặt hàng tăng thuế.
“Do đó, về cơ bản, việc tăng thuế giá trị gia tăng từ 10% lên 12% không ảnh hưởng nhiều đến những hộ gia đình có thu nhập thấp”, ông Thi nhận định.
Tuy nhiên, đại diện Vụ Chính sách Thuế cũng cho rằng, cùng với việc đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng, cần có những giải pháp hỗ trợ về an sinh, xã hội để giảm thiểu tác động của việc tăng thuế lên nhóm thu nhập thấp này. Hiện Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ như: Hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, chính sách hỗ trợ tham gia bảo hiểm…
Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế cũng khác khuyến nghị Việt Nam nên thu hẹp nhóm hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và chịu thuế giá trị gia tăng ở mức ưu đãi 5% để đảm bảo chính sách thuế không méo mó. Đồng thời nên sử dụng ngân sách để hỗ trợ cho các đối tượng này một cách phù hợp hơn.
Thuế VAT chiếm hơn 20% tổng thu NSNN
Theo Bộ Tài chính, đối với một số nước châu Âu, mặc dù thuế suất thuế giá trị gia tăng cao nhưng tổng số thu từ thuế giá trị gia tăng/tổng thu ngân sách có thể thấp hơn hoặc tương đương với Việt Nam.
Tuy nhiên, tổng số thu từ thuế, phí của các nước này cao hơn cao hơn so với Việt Nam. Ví dụ Đan Mạch, tỷ trọng thu thuế GTGT/tổng thu thuế, phí 19,24% nhưng tổng thu thuế/GDP chiếm gần 50%; Ailen, tỷ trọng thu thuế GTGT/tổng thu thuế, phí hơn 20%, tổng thu thuế/GDP gần 30%; Tây Ban Nha tỷ trọng thu thuế GTGT/tổng thu thuế, phí hơn 18%, nhưng tổng thu thuế/GDP chiếm hơn 33%...Trong khi đó, tại Việt Nam tuy tổng số thu thuế GTGT/tổng thu ngân sách là 24,5% nhưng tổng số thuế, phí/GDP năm 2016 chỉ chiếm 21%.
Liên quan đến thời điểm thực hiện tăng thuế giá trị gia tăng, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, kinh tế thế giới đang có xu hướng hồi phục và phát triển. Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Ngoài ra, chỉ số lạm phát ở Việt Nam đang ở mức kiểm soát, bên cạnh đó, giá xăng dầu và giá nguyên liệu đầu vào đang ở mức thấp.
Ngoài ra, Việt Nam đang thực hiện 11 cam kết thương mại tự do FTA, thuế nhập khẩu bị cắt giảm mạnh, nên cần tái cơ cấu ngân sách nhà nước ở lĩnh vực thu chi ngân sách. Do vậy, năm 2019 là thời điểm thích hợp để tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế khẳng định./.