Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan dự buổi làm việc.
Báo cáo với lãnh đạo Bộ TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: Năm 2017, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, sự lãnh đạo quyết liệt của tỉnh, cùng với những nỗ lực của hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, KT-XH Hà Tĩnh có những bước phát triển khá. Ước tính tăng trưởng kinh tế năm 2017 ước đạt 10,71%, thu ngân sách ước đạt 8.850 tỷ đồng; dự kiến cuối năm 2017 có thêm 35 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 117 xã.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh báo cáo tại buổi làm việc
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cũng cho biết, sau sự cố môi trường, Hà Tĩnh đã tập trung cao chỉ đạo công tác bồi thường, bảo đảm khách quan, minh bạch, dân chủ, đúng quy định pháp luật. Đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường cho 58.197 đối tượng bị ảnh hưởng; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại được phê duyệt 1.599,27 tỷ đồng, đã chi trả hơn 1.553 tỷ đồng (trên 97,1%). UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng thành lập 2 tổ công tác để tăng cường giám sát hoạt động xả thải tại Dự án Formosa.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Khai thác mỏ sắt Thạch Khê là vấn đề lớn, tác động lớn đến KT-XH và môi trường nên phải rất thận trọng. Với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, để đảm bảo phát triển bền vững, lấy lợi ích kinh tế - xã hội của cả cộng đồng làm mục tiêu chung, Hà Tĩnh đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng dự án.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cùng lãnh đạo tỉnh, các sở ngành đã ngành thông tin, nêu rõ quan điểm nhất quán của tỉnh về việc đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Theo đó, từ thực tiễn triển khai dự án thời gian qua và qua nghiên cứu, các cuộc làm việc, hội thảo khoa học, tỉnh nhận thấy việc triển khai dự án có rất nhiều khó khăn, hệ lụy, ảnh hưởng đến môi trường, hiệu quả kinh tế thấp, tác động lớn đến đời sống KT-XH của người dân vùng bị ảnh hưởng.
“Từ sự phân tích, đánh giá nghiêm túc và cân nhắc nhiều mặt cả về lợi ích trước mắt và lâu dài, UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo và đề nghị Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng (kết thúc) dự án, chỉ đạo giải quyết tồn đọng, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và chỉ nghiên cứu khởi động lại dự án khi đủ các điều kiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững.” - Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đề xuất.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Bộ TN&MT quan tâm chỉ đạo một số nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình vận hành Dự án Formosa; hỗ trợ Hà Tĩnh đánh giá sức chịu tải môi trường nền tại KKT Vũng Áng; xử lý vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB, thu hồi đất, cấp phép khai thác mỏ...
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Hà Tĩnh có quyết tâm rất lớn trong việc bảo vệ môi trường. Thời gian tới, địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, kiểm soát vấn đề môi trường tại Dự án Formosa và những dự án khác trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị, Bộ TN&MT đã ghi nhận, làm rõ những kiến nghị, đề xuất của tỉnh liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường, lĩnh vực quản lý đất đai.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định, những đề xuất, kiến nghị của Hà Tĩnh liên quan đến lĩnh vực môi trường cũng là vấn đề mà Chính phủ, Bộ đang hết sức quan tâm. Quan điểm của Chính phủ cũng như các bộ, ngành là không đánh đổi môi trường vì kinh tế.
Về vấn đề khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ băn khoăn và hoàn toàn đồng tình với các ý kiến của tỉnh về vấn đề môi trường, thủy văn, địa chất của dự án chưa được trả lời rõ, chưa an toàn. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn môi trường, hiệu quả KT-XH.
Những kiến nghị của Hà Tĩnh liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà giao cho các vụ, cục, đơn vị liên quan nghiên cứu, giải quyết.