Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cấp tốc đào tạo cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở

Trước tình hình số ca bệnh COVID-19 nặng có xu hướng gia tăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu tất cả các cơ sở y tế cấp tốc đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở. Đây là công việc hết sức cấp bách.

Đào tạo cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở... công việc hết sức cấp bách

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ký công văn hoả tốc gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế các Bộ, ngành về việc tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực .

Công văn của Bộ Y tế nêu rõ, trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất nhanh, số người bệnh COVID-19 nặng có xu hướng gia tăng, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị khẩn trương đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực theo Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng” đã được ban hành tại Quyết định số 3616/QĐ-BYT ngày 29/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu cấp tốc đào tạo cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở

Điều trị hồi sức cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh

Cụ thể, các bệnh viện lập danh sách các bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đang làm và dự kiến huy động làm cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị người bệnh COVID-19.

Liên hệ với các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia (theo địa bàn phụ trách) để được đào tạo, tập huấn cấp tốc về cấp cứu, hồi sức tích cực, sử dụng máy thở và các nội dung cần thiết khác bằng các hình thức tại chỗ, trực tuyến… trong đó ưu tiên việc cử người đến các trung tâm để trực tiếp học và thực hành.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện có trung tâm hồi sức tích cực quốc gia và vùng khẩn trương lập kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cho các bệnh viện được phụ trách theo Đề án và phân công, giao việc cho các học viên đến thực hành.

Theo Bộ Y tế, đây là công việc hết sức cấp bách. Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện, báo cáo tình hình triển khai, các khó khăn, vướng mắc về Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để được hỗ trợ kịp thời.

Tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh COVID-19 nặng, giảm thiểu tử vong

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký ban hành Đề án “Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực cho các bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 nặng”.

Theo Đề án, Bộ Y tế chỉ định và thành lập 12 Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia quy mô từ 200- 3.000 giường bệnh Hồi sức tích cực đặt tại các bệnh viện như sau: Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2); Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2); Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương; Bệnh viện Phổi TW; Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội (cơ sở 2); Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh; Bệnh viện đa khoa trung ương Huế ; Bệnh viện Chợ Rẫy; Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 TP. Hồ Chí Minh (đặt tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh); Bệnh viện đa khoa trung ương Cần Thơ; Bệnh viện TW Quân đội 108; Bệnh viện Quân y 103.

Trung tâm hồi sức tích cực quốc gia là trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, chịu sự quản lý và phân công trực tiếp của Lãnh đạo Bộ và Cục Quản lý Khám chữa bệnh.

Trung tâm là cơ sở điều trị cao nhất, có nhiệm vụ thu dung, điều trị và thực hiện các kỹ thuật hồi sức tích cực cao, phức tạp nhất cho các trường hợp bệnh nặng, nguy kịch trong bậc thang điều trị ca bệnh COVID-19. Có 33 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, các Bộ, ngành, trường đại học và bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, trong đó có 2 bệnh viện quân y được Bộ Y tế chỉ định các bệnh viện đầu tư, nâng cấp, thành lập trung tâm hồi sức tích cực.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế: Từ ngày 27/4/2021 đến nay, Việt Nam đang phải đối mặt với “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh COVID-19 tấn công và gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh. Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử.

Trước tình hình rất nghiêm trọng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), bảo đảm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh xảy ra.

Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các địa phương tăng cường năng lực hồi sức tích cực, tập trung cứu chữa ca bệnh nặng, giảm thiểu tử vong.

Theo SK&ĐS

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.