Những vấn đề nóng, liên quan sát sườn đến cuộc sống của người dân, như liệu dịch viêm đường hô hấp cấp MERS-CoV có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam hay không? Hay thời gian tới đây, Bộ Y tế có những bước đột phá gì, để đổi mới toàn diện ngành y tế, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán Bộ Y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh?
Tất cả những điều này được người đứng đầu ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trả lời người dân trong chuyên mục Dân hỏi bộ trưởng trả lời tuần này.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian gần đây, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp MERS-CoV đang có diễn biến phức tạp tại một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Trung Quốc và có nguy cơ bùng phát khó lường. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về nguy cơ xâm nhập dịch bệnh MERS -CoV vào nước ta và những biện pháp của Bộ Y tế đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến:Theo chúng tôi, nguy cơ xâm nhập dịch Mers–CoV vào Việt Nam là khá cao. Chính vì thế, Bộ Y tế dưới sự chỉ đạo của Chính phủ triển khai những công việc sau: Sau khi Thủ tướng Chính phủ Ban hành công điện và Bộ Y tế đã họp Ban chỉ đạo Trung ương với 63 tỉnh thành trong cả nước, chỉ đạo quyết liệt tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, tập huấn cho các cán bộ dự phòng, điều trị, chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc để phòng và trị bệnh, nhằm ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cửa khẩu biên giới đối với các hành khách từ vùng có dịch bệnh về.
Thực hiện nghiêm việc phòng chống nhiễm khuẩn và cách ly tại bệnh viện nếu có ca nghi ngờ. Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những giải pháp Việt Nam đưa ra là quyết liệt.
PV: Một số người dân quan tâm đến dịch vụ bác sỹ gia đình gửi thư về chuyên mục cho biết: Mới đây, gia đình tôi có sử dụng dịch vụ bác sỹ gia đình thấy rất tiện lợi và hiệu quả. Vậy thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những định hướng giải pháp gì để phát triển dịch vụ y tế bác sỹ gia đình?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Mô hình bác sỹ y tế gia đình đã được Bộ Y tế triển khai tại 8 tỉnh thành và ban hành Thông tư thí điểm thực hiện bác sỹ gia đình, sắp tới sẽ tiến hành sơ kết để có thể nhân rộng những mô hình hay.
Trên tinh thần là sẽ triển khai tại các phòng khám tại các bệnh viện tuyến viện, tỉnh xã phường cũng như các phòng khám gia đình tư nhân tạo nên mạng lưới gần dân, sẽ chăm sóc dịch vụ sức khỏe ban đầu như tiêm chủng, kế hoạch hóa gia đình, bà mẹ trẻ em chống các dịch bệnh lây nhiễm, như ung thư, tim mạch tiểu đường.
Đồng thời, khám chữa bệnh gắn với bảo hiểm y tế, với những bệnh thông thường. Triển khai cả các dịch vụ nối với các bệnh viện tuyến trên; điều quan trọng nữa là tích cực ứng dụng khoa học công nghệ thông tin với bảo hiểm y tế, các bệnh viện tuyến trên.
Đây là những kế hoạch Bộ Y tế sẽ triển khai trong tương lai, đặc biệt phấn đấu gắn với các dự án ODA về y tế, để tăng cường y tế cơ sở gắn với mạng lưới bác sỹ gia đình với hệ thống cấp cứu ban đầu đối với người dân sống ở vùng sâu vùng xa.
PV: Nhiều người dân quan tâm đến vấn đề đạo đức trong ngành y gửi thư về chuyên mục có hỏi: Thưa Bộ trưởng, là một người thường đi khám bệnh, tôi thấy đôi lúc thái độ phục vụ của các y tá, bác sĩ với các bệnh nhân như chúng tôi chưa được đúng với câu "Lương y như từ mẫu". Mặc dù vẫn biết những người làm trong ngành y luôn phải chịu rất nhiều áp lực, tuy nhiên, những người dân như chúng tôi khi đau yếu, bệnh tật cũng sẽ thấy được động viên rất nhiều nếu các bác sĩ tận tâm.
Thời gian gần đây tôi có đọc báo, nghe Đài được biết về Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Bộ trưởng có thể chia sẻ với người dân về những kế hoạch cụ thể của Bộ Y tế để tạo ra đột phá mới của ngành Y tế, góp phần đổi mới toàn diện công tác y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để giải quyết vấn đề này cần rất nhiều giải pháp đồng bộ và cần thời gian. Theo đó, Bộ Y tế sẽ ban hành Quyết định thực hiện chương trình hành động là đổi mới toàn diện phong cách phục vụ của Bộ Y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Những nội dung chính là lần đầu tiên Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến ban hành Nghị quyết này sâu rộng trong toàn ngành, từ các tuyến Trung ương đến tuyến huyện, giao ban với 700 đầu cầu toàn quốc với mục đích làm sao từ bên trong các cán bộ y tế phải đổi mới, coi người bệnh là trung tâm để phục vụ.
Theo đó, thứ nhất, chúng tôi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động đường dây nóng, và thực hiện Thông tư về quy tắc đạo đức nghề nghiệp, kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ y tế không đủ phẩm chất. Thứ 2 là duy trì hòm thư góp ý, hòm thư nóng. Thứ 3 là quy định về trang phục đối với các cán bộ có chức năng khác nhau. Thứ 4 là thành lập các đơn vị chăm sóc khách hàng. Thứ 5 có đội tình nguyện bác sỹ trẻ để giúp người bệnh trong quá trình thăm khám được nhanh gọn.
Điều quan trọng nữa là sẽ ký cam kết với các bệnh viện để cuối cùng phải đổi mới toàn diện thái độ, “niềm nở khi bệnh nhân đến, tận tụy khi phục vụ, chu đáo khi bệnh nhân về”. Sau đó có chương tình kiểm tra giám sát, và thi đua khen thưởng, kỉ luật.
Đây là kế hoạch mới ban hành, không dễ để triển khai, vì vậy ngành Y tế luôn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, các cơ quan báo chí, các chuyên gia để hoàn thiện. Về lâu dài, chúng tôi cho rằng cũng phải tạo cho cán bộ y tế có đủ thu nhập, đủ sống đủ để tái tạo sức lao động để họ yên tâm phục vụ tốt hơn.
Phải dựa vào cơ chế tài chính phù hợp, vì họ thi vào rất khó, học thì lâu, trách nhiệm cao, vì vậy cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, bệnh nhân và của dư luận xã hội để ngành Y tế phấn đấu là động lực thúc đẩy mình làm việc, vì khi người bệnh quay lưng lại thì bác sỹ cũng không còn việc để làm.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin được gửi đến các cơ quan báo chí, nhà báo lời chúc sức khỏe thành công trong sự nghiệp và đồng hành cùng ngành Y tế để giúp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!./.