Đoàn công tác của Bộ Y tế do T.S Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với ngành Y tế Hà Tĩnh về hoạt động phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần.
Sau khi khảo sát và làm việc việc tại Trạm Y tế xã Tân Lâm Hương và Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, đoàn đã có buổi làm việc với Sở Y tế và các đơn vị liên quan về công tác triển khai các hoạt động dự phòng, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm (BKLN) và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Chí Thanh - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện nay, 216/216 trạm y tế xã, phường đều thực hiện hoạt động phòng chống BKLN, rối loạn sức khỏe tâm thần bao gồm: khám sàng lọc, truyền thông, quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ) theo nguyên lý y học gia đình, tâm thần phân liệt, động kinh.
Mạng lưới phòng, chống BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần ngày càng hoàn thiện và hoạt động hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 105.116 người THA được phát hiện (đạt tỷ lệ 66,75%), trong đó số bệnh nhân đang được quản lý điều trị tại trạm y tế là 23.275 người (đạt tỷ lệ 14,8%).
Tổng số người mắc bệnh ĐTĐ được phát hiện là 23.009 người (đạt tỷ lệ 87,7%), trong đó số bệnh nhân đang được quản lý điều trị tại trạm y tế là 2.213 người đạt tỷ lệ (8,4%).
Duy trì 100% xã, phường, thị trấn quản lý bệnh nhân tâm thần phân liệt và động kinh. Tổng số bệnh nhân tâm thần được phát hiện là 2.128 người, trong đó, số bệnh nhân đang được quản lý điều trị là 1.912 người, số bệnh nhân hiện đang được quản lý cấp thuốc tại các trạm y tế là 1.912 người, số bệnh nhân quản lý tại xã đạt hiệu quả là 1.338 người.
Tuy nhiên, hoạt động phòng chống BKLN hiện còn gặp một số khó khăn, như: nguồn kinh phí cấp cho hoạt động phòng, chống BKLN ngày càng hạn hẹp; đa số các trạm y tế vẫn chưa đủ danh mục thuốc điều trị ở tuyến xã theo Quyết định số 5904/QĐ-BYT ngày 20/12/2019 của Bộ Y tế. Cơ chế thông tuyến BHYT tuyến huyện khiến người dân lựa chọn các trung tâm y tế ở gần mà không cùng địa bàn để khám, điều trị. Một số bệnh nhân có thẻ BHYT tại bệnh viện tuyến tỉnh lựa chọn khám, điều trị định kỳ khiến cho trạm y tế không thể theo dõi, quản lý bệnh nhân tại trạm. Cán bộ chuyên trách BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần thay đổi liên tục gây khó khăn trong hoạt động...
Tại buổi làm việc, ngành Y tế Hà Tĩnh đã kiến nghị Bộ Y tế sớm chỉ đạo xây dựng, ban hành các hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho công tác dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần phù hợp với chức năng nhiệm vụ và phân tuyến kỹ thuật của các cơ sở y tế. Tạo điều kiện để tách gói khám bảo hiểm cho bệnh nhân không lây nhiễm riêng biệt với gói khám thường quy tại các trạm y tế. Đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư trang thiết bị thiết yếu cho chẩn đoán điều trị bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản, rối loạn sức khỏe tâm thần ở tuyến xã theo quy định và được bảo hiểm y tế chi trả. Tăng cường hướng dẫn chuyên môn đối với công tác phòng, chống BKLN và rối loạn sức khỏe tâm thần; hỗ trợ tập huấn.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Minh Hằng - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà ngành Y tế Hà Tĩnh đã đạt được, đồng thời chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn.
TS. Nguyễn Minh Hằng mong muốn, thời gian tới, ngành Y tế Hà Tĩnh tiếp tục cố gắng khắc phục khó khăn, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân; chú ý công tác quản lý bệnh nhân, triển khai tốt công tác khám sàng lọc để phát hiện sớm các bệnh nhân mắc bệnh và có lộ trình điều trị cụ thể.
Về những kiến nghị khó khăn vướng mắc, đoàn ghi nhận và sẽ chuyển ý kiến tới Bộ Y tế và các đơn vị liên quan.