Bộ Y tế lo ngại sự thay đổi nghiêm trọng hệ miễn dịch trong cộng đồng

Thời tiết chuyển mùa như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để bệnh sởi bùng phát. Từ đầu năm 2018 đến nay, số ca mắc sởi ở miền Bắc đã tăng cao gấp 30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, dịch sởi thường có chu kỳ 4 năm quay trở lại 1 lần…

bo y te lo ngai su thay doi nghiem trong he mien dich trong cong dong

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ là cách phòng chống dịch bệnh cho trẻ nhỏ (Ảnh minh họa - internet)

Nguy cơ bùng phát dịch sởi theo chu kỳ 4 năm

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ cho biết, theo dõi dịch tễ trên thế giới, dịch sởi 4 năm quay lại một lần. Tại miền Bắc năm 2013- 2014 xảy ra vụ dịch sởi lớn, theo chu kỳ, năm nay có thể là một năm dịch sởi sẽ quay trở lại. Trong khi đó, có nhiều yếu tố nguy cơ khiến dịch bệnh tăng nhanh.

Những ngày qua, tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai,… đã ghi nhận rải rác các ca bệnh sởi. Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện từ đầu năm 2018 đến nay đã tiếp nhận hơn 40 bệnh nhân nhập viện điều trị sởi, trong đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới được 2 tháng, số còn lại từ 3 đến 5 tuổi, trong đó có một bệnh nhi tử vong do mắc sởi. Trường hợp bệnh nhi này có bệnh nền sẵn và tử vong do bệnh lý nền nặng lên.

Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây từ người sang người qua đường hô hấp. Sau khi mắc sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ dễ mắc các biến chứng. Vi rút gây bệnh sởi làm suy giảm hệ miễn dịch của trẻ, khiến trẻ dễ gây ra các biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa. Phần lớn trẻ bị bệnh sởi tử vong chủ yếu là do biến chứng viêm phổi nặng.

Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, người dân vẫn cho rằng bệnh ho gà, thủy đậu, cúm hay sởi là các căn bệnh thông thường, lành tính nên chủ quan. Tuy nhiên, thực tế cho thấy biến chứng viêm não, biến chứng vào nội tạng là điều có thể xảy ra. Không chỉ những bệnh nhân có nền thể trạng không tốt, bất thường, mà những người có tiền sử hoàn toàn khỏe mạnh cũng có thể gặp biến chứng với diễn biến bất ngờ.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, với địa bàn rộng, dân cư đông như Hà Nội thì không thể chủ quan. Ngay từ đầu năm 2018, công tác phòng, chống dịch sởi trên địa bàn thành phố đã được triển khai đồng bộ, mục tiêu là phát hiện sớm ca bệnh, khống chế kịp thời, không để dịch lớn xảy ra. Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã phối hợp với các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, các bệnh viện trong và ngoài công lập triển khai gần 700 điểm giám sát dịch bệnh. Để tránh lây nhiễm chéo, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các bệnh viện thực hiện tốt việc tổ chức phân tuyến điều trị, thiết lập khu vực riêng để khám, điều trị bệnh nhân mắc sởi. Hiện các bệnh viện đã tổ chức khám phân loại bệnh nhân ngay từ phòng khám.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, yếu tố thuận lợi cho việc bùng phát trở lại của bệnh sởi và nhiều bệnh khác còn xuất phát từ “khoảng trống” tiêm chủng trong nhiều năm qua. Vì vậy, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần, phòng trường hợp trẻ đến lịch tiêm nhưng phải hoãn vì ốm thì sẽ được tiêm bổ sung ngay trong tuần sau.

Người lớn không có “hàng rào” miễn dịch bảo vệ

Có những nghiên cứu trẻ không được tiêm vắc xin tiếp xúc với người mắc bệnh sởi thì nguy cơ mắc bệnh là 94- 95%. Trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm vắc xin hoặc chưa đủ tuổi tiêm, khi tiếp xúc với người mắc bệnh tỷ lệ mắc gần như là 100%. Hơn nữa, nếu người mẹ không có miễn dịch chủ động thì rất khó bảo vệ con.

Trên thực tế, trong thời gian qua cũng xảy ra tình trạng trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng đã mắc sởi, với tỷ lệ khoảng 3%, đặc biệt giai đoạn 2016 – 2017 tỷ lệ trẻ bị sởi khi chưa đến tuổi tiêm vắc xin tăng 20%. Năm 2017, Hà Nội ghi nhận 83 ca sởi, một trẻ tử vong, trong đó gần một phần ba là trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng. Do đó, nhằm bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi, dự án tiêm chủng mở rộng đề xuất Bộ Y tế cho phép tiêm vắc xin phòng sởi cho trẻ 6 - 8 tháng tại những vùng có nguy cơ, khi có dịch để giảm tỉ lệ mắc sởi ở trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng nhận định, dù 3 tháng đầu năm sởi được kiểm soát khá tốt, nhưng dịch bệnh hoàn toàn có thể gia tăng. “Ngay khi ghi nhận các ca mắc sởi mới, Hà Nội và một số địa phương đã tổ chức tiêm vét tỉ lệ tiêm cao. Điều đáng lưu ý, sau khi họp đánh giá xem xét tình hình miễn dịch cộng đồng với bệnh sởi cho thấy, miễn dịch sởi ở trẻ em là có, nhưng người lớn không có, kể cả các bà mẹ cũng không hề có miễn dịch sởi. Chúng ta tiêm sởi từ năm 1985 trở lại đây, vì thế một lượng người lớn không có miễn dịch. Điều này cũng trả lời cho câu hỏi, vì sao tỉ lệ khá lớn trẻ em chưa đến tuổi tiêm phòng đã mắc sởi. Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tiêm ngừa vắc xin trước khi mang thai để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, trước tỉ lệ trẻ mắc sởi do chưa đến tuổi tiêm chủng khá cao, nhiều phụ nữ trong tuổi sinh đẻ không có miễn dịch vắc xin sởi., Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu đẩy sớm lịch tiêm chủng cho trẻ. Thay vì tiêm 9 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm chủng từ 6 tháng, khi hoàn thành nghiên cứu sẽ chính thức tiêm vắc xin sởi từ 6 tháng cho trẻ.

Theo Pháp luật Việt Nam

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.