Đền thiêng, chùa thiêng thì thần, Phật sẽ thấy rõ ý nguyện của người dâng lễ. Thế nên, tâm lý đi đền chùa là phải đến nơi thờ tự được gọi là thiêng. Càng thiêng thì lời khấn nguyện càng được thấu tỏ, càng an lòng.
Bởi vậy, người ta đến làm lễ để cầu sức khỏe, cầu thăng chức, con thi đỗ, cầu có con trai… Từ lòng tin tưởng tuyệt đối vào thần, Phật thiêng liêng, người ta không ngại đi hàng trăm km (thậm chí từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội), sắm sanh lễ vật không nề hà tiền nong, đốt thành than những con ngựa khủng, chầu chực cửa đền chùa hàng chục tiếng đồng hồ để nhờ thầy lễ làm lễ…
Chữ "thiêng" ấy đã biến Lễ hội Khai ấn đền Trần (Thành phố Nam Định) năm nào cũng xảy ra màn tranh cướp lộc quyết liệt; chen lấn mài tiền lên kiếm, sờ vào chuông đồng, nhét tiền vào cung cấm thờ tượng… Năm nay, có đến hơn 2.000 chiến sĩ an ninh đã được huy động để giữ an ninh trật tự, một con số khủng khiếp.
Ở miền Bắc, vô vàn lễ hội, người ta tin thần, Phật ứng nghiệm vào bảo kiếm, chuông, tượng, thậm chí manh chiếu, phết… và nghiễm nhiên, ai chạm được sự vật ấy sẽ được nhận phần phù trợ của đấng siêu linh.
Những em nhỏ cũng được người lớn lấy khăn choàng Quan Âm Bồ Tát tại chùa Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) lau mặt với lòng tin sẽ được phù hộ nhiều sức khỏe và sự thông minh (Ảnh: vnexpress.net).
Ngoài Bắc đã vậy, trong miền Nam cũng chẳng khá hơn. Chỉ tính riêng chùa Bà Đen (huyện Hòa Thành, Tây Ninh), từ mùng 4 tết lại nay, mỗi ngày đã có hàng chục ngàn người đến làm lễ, dâng hương. Trong đó, người dân đổ xô nhau tiếp cận tấm áo choàng của Quan Âm Bồ Tát để sờ và lau lên mặt lấy "hên"; thậm chí, trẻ nhỏ cũng được đưa đến để lấy áo choàng lau, mong khỏe mạnh, thông minh.
Tại Hà Tĩnh, nhiều ngôi đền được đồn thổi thiêng liêng đã thu hút khách trong, ngoài tỉnh, thậm chí các tỉnh miền Bắc đến làm lễ như: đền Củi (Nghi Xuân), đền Bà Hải (Kỳ Anh), Miếu Ao (Thạch Trị)...
Hơn 16h chiều ngày rằm tháng Giêng, Miếu Ao vẫn đông nghịt người chờ đến lượt làm lễ
Ngay như tại Miếu Ao, hơn 16h chiều ngày 19/2 (15/1 âm lịch), sau một ngày la liệt người dâng lễ giải hạn vẫn còn hàng trăm người ngồi kín sảnh chờ đến lượt thầy làm lễ. Tại vùng bãi ngang huyện Thạch Hà, người ta đồn nhau, Miếu Ao rất thiêng nên người tứ xứ đến rất đông, trong tỉnh thường có người dân Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP Hà Tĩnh. Đa phần khách đến làm lễ giải hạn, cầu an và phải nhờ "thầy".
Một người đàn ông đang quỳ lạy nơi bức tượng trước cổng ra vào Miếu Ao, trước mặt là đĩa tiền lẻ
Ngày trước, người dân đồn thổi, vì miếu thiêng nên mỗi khi trâu bò bị ốm, người ta đến làm lễ và xin lấy nước nơi ao về cho trâu bò uống thế là lành bệnh. Sau này, mỗi lần trâu bò ốm người ta thường gọi thú y, nhưng ai cũng nói ngôi miếu ấy thiêng liêng, thành ra, khách cứ đến nườm nượp.
Đến bao giờ, người Việt thôi "hối lộ" thánh thần như thế này?! (Ảnh internet)
Chẳng biết từ bao giờ người ta đã gieo vào lòng nhau một từ dẫn dắt đến con đường u mê, thậm chí cuồng tín. Một chữ “thiêng” mà làm thổn thức triệu triệu người để rồi dòng người thúc đẩy nhau nương vào đền chùa, thậm chí ngầm giao ước với thánh thần bằng tiền mặt nhét vào tay, vào tai và cả nơi chân tượng.