Cứ tầm khoảng 4 - 5 giờ chiều, cánh đồng lớn của thôn Sơn Phú, Đồng Thanh... (xã Thượng Lộc) tấp nập người bán kẻ mua, những chiếc xe chở từng bao tải cà lần lượt tỏa đi các chợ lớn nhỏ. Người dân phấn khởi hái từng giỏ cà đầy ắp đem bán cho thương lái ngay tại chân ruộng.
Thương lái từ TP Hà Tĩnh, Thạch Hà... đến thua mua cà dừa cỏ ngay tại chân ruộng.
Bàn tay hoăn thoắt hái quả bên những luống cà xanh mướt, chị Nguyễn Thị Lam (thôn Sơn Phú) vui vẻ chia sẻ: “Năm nay gia đình tôi trồng gần 4 sào cà dừa cỏ, toàn bộ diện tích đã bắt đầu cho thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu về gần 15 triệu đồng, tết này có thêm khoản tiền khá để sắm sửa. Tính ra lãi hơn trồng lúa rất nhiều lần và cũng không phải tốn nhiều công chăm sóc vì giống cây này khá “dễ tính”.
Chị Nguyễn Thị Lam thu hoạch tại ruộng, quả nào to thì cắt bán trước
Cũng theo chị Lam, do chất đất tại đây phù hợp nên giống cà dừa cỏ Thượng Lộc phát triển tốt, cho quả đều và sáng. Quả luộc lên có vị ngon, ngọt nên được người tiêu dùng ưa chuộng.
Hai năm trở lại đây, thấy giống cây cà dừa cỏ vừa dễ trồng lại hiệu quả kinh tế nên gia đình anh Đặng Văn Nam (thôn Sơn Phú) quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng rau vụ đông sang trồng cà.
Cà dừa phát triển xanh tốt, cho quả đều và sáng nhờ chất đất phù hợp.
Anh Nam cho biết: “Cà dừa cỏ Thượng Lộc giữ được mức giá ổn định từ 10 - 12 nghìn đồng/kg tuỳ thời điểm, hơn nữa lại có thương lái đến tận ruộng thu mua, không phải lo đầu ra như những loại rau vụ đông khác. Mỗi sào cà có thể cho thu hoạch gần 11 triệu đồng/vụ, là một khoản tiền không hề nhỏ đối với bà nông dân. Thời điểm thu hoạch vào gần tết nên bà con càng thêm phấn khởi vì có thêm tiền lo cho cái tết đủ đầy hơn”.
Người dân Thượng Lộc phấn khởi thu hoạch cà
Được biết, năm 2012, xã tiến hành trồng thí điểm 2ha cà dừa. Qua quá trình phát triển, cây cà cho sai quả, chất lượng tốt nên những mùa vụ sau người dân chuyển dần sang trồng giống cây này.
Đến nay, toàn xã có hơn 50ha cà dừa tập trung tại các thôn Sơn Phú, Sơn Bình, Đồng Thanh, Vĩnh Xuân… Vì "có tiếng" về chất lượng nên thương lái tìm mua tận chân ruộng.
Chị Hoàng Thị Ngân - một thương lái ở TP Hà Tĩnh cho hay: “Khoảng 2 ngày chúng tôi lại đến thua mua từ 2-3 tạ cà để bỏ mối cho các hộ kinh doanh tại chợ. Giống cà cỏ ở Thượng Lộc dễ bán, giá cũng cao hơn bởi màu sắc đẹp, lành tính, không nồng mùi như những giống cà khác”.
Từng bao tải cà được thương lái chất lên xe đi tiêu thụ khắp các chợ lớn, nhỏ trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Xuân Diệu cho biết: “Mỗi năm cà dừa được sản xuất 2 vụ, vụ này là vụ chính bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến giữa tháng 2 âm lịch. Thời gian qua, xã đã quy hoạch vùng trồng cà tập trung, đồng thời hỗ trợ người dân về kỹ thuật, cách chăm sóc. Mặt khác, 2 năm trở lại đây, xã đã bắt đầu hướng dẫn cho bà con dùng thuốc sinh học phun trừ sâu bệnh hợp lý để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm của địa phương”.