Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vị thuốc.
Sở Y tế Hà Tĩnh vừa tiến hành tổ chức các bước để đấu thầu tập trung các gói cung ứng thuốc chữa bệnh năm 2023 và năm 2024 cho các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn tỉnh, gồm 4 gói: cung ứng thuốc hóa dược; thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; dược liệu; vị thuốc cổ truyền. Sau khi tổ chức đấu thầu, đã có 2 gói thầu với tổng số 843/1.016 mặt hàng thuốc trúng thầu, đạt tỷ lệ 82,97%.
Việc trúng 2 gói thầu với tỷ lệ cao đã phần nào tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế, đáp ứng nhu cầu điều trị cho người bệnh.
Tuy nhiên, việc 2 gói thầu: dược liệu và vị thuốc cổ truyền không có doanh nghiệp tham gia dự thầu lại đang ảnh hưởng lớn đến việc thăm khám, điều trị của Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Tĩnh và các cơ sở y tế có khoa y học cổ truyền.
Dược liệu và vị thuốc cổ truyền đang thiếu tại các cơ sở y tế
Bác sỹ Bùi Thị Mai Hương - Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho biết: “Tháng 2/2023 là hết thời hiệu gói thầu cung ứng vị thuốc cổ truyền và dược liệu của năm 2021-2022. Tuy nhiên thực tế thì việc thiếu dược liệu và vị thuốc đã diễn ra từ khá lâu trước đó do lượng bệnh nhân đến bệnh viện sau dịch bệnh COVID-19 gia tăng.
Ngoài ra, giá cả thị trường biến động, nhiều mặt hàng tăng giá lên rất nhiều lần so với giá đấu thầu ban đầu nên doanh nghiệp không có khả năng cung ứng được. Nay, Sở Y tế tổ chức đấu thầu, nhưng 2 gói thầu về vị thuốc cổ truyền và dược liệu không hoàn thành càng khiến cho bệnh viện gặp nhiều khó khăn hơn”.
Trong đông y, thiếu vị sẽ không thành bài thuốc, gây khó khăn trong công tác điều trị.
Dược sỹ Lê Thị Cẩm Thạch - Trưởng phòng Nghiệp vụ dược cho biết: “Đối với 2 gói thầu không có doanh nghiệp dự thầu, UBND tỉnh đã có chủ trương cho các cơ sở y tế tự tổ chức mua sắm theo đúng quy định. Đến nay, Sở Y tế cũng đã có Văn bản 273/SYT-NVD hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đấu thầu 2 gói thầu không có nhà thầu tham gia”.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, việc triển khai tự mua sắm tại các cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn và vướng mắc.
“Thực tế từ trước đến nay, bệnh viện không có kinh nghiệm triển khai đấu thầu, hơn nữa khối lượng công việc rất lớn nên không đủ nhân lực để triển khai. Nếu bệnh viện tổ chức đấu thầu sẽ mất thời gian từ 6 - 8 tháng để xây dựng lại kế hoạch, lên các danh mục để xin phê duyệt. Trong khi Sở Y tế đã xây dựng được danh mục đấu thầu 2 gói vị thuốc cổ truyền và dược liệu, lại đã được UBND tỉnh phê duyệt nên nếu sở tổ chức đấu thầu lại sẽ rút ngắn được nhiều thời gian cho các cơ sở y tế” - bác sỹ Bùi Thị Mai Hương, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Tĩnh cho hay.
Bác sỹ Lê Nhật Thành - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn cho biết: “Hiện nay, Khoa Y học cổ truyền của trung tâm thường xuyên có từ 60-70 bệnh nhân điều trị nội trú, vị thuốc cổ truyền và dược liệu thiếu hụt đã làm ảnh hưởng rất lớn đến việc điều trị cho người bệnh. Việc Sở Y tế giao cho các cơ sở tự đấu thầu sẽ gặp nhiều vướng mắc, nhất là về giá, kế hoạch. Một mặt hàng nhưng các đơn vị sẽ xây dựng mức giá không giống nhau gây khó khăn cho việc thanh toán BHYT và thẩm định của Sở Y tế khi triển khai đấu thầu”.
Các y bác sỹ đang nỗ lực thực hiện các kỹ thuật trong bối cảnh nguồn dược liệu và vị thuốc thiếu hụt.
Trước những vướng mắc đang gặp phải, các cơ sở y tế đang kiến nghị Sở Y tế tổ chức đấu thầu lại 2 gói thầu vị thuốc cổ truyền và dược liệu để vừa rút ngắn thời gian vừa tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở y tế. Ngoài ra, trong trường hợp Sở Y tế vẫn tiếp tục giao công tác đấu thầu cho các cơ sở y tế thì một số đơn vị mong muốn sở hỗ trợ nhân lực để thực hiện công tác đấu thầu.
Bác sỹ Nguyễn Minh Đức – Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trên cơ sở kiến nghị của các cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức tự đấu thầu, mua sắm, sở sẽ nghiên cứu theo hướng tổ chức đấu thầu lại 2 gói vị thuốc cổ truyền, dược liệu để đồng hành, tháo gỡ khó khăn với các bệnh viện và đảm bảo kịp thời các vị thuốc và dược liệu phục vụ công tác điều trị cho người bệnh”.