Trước dịp ngày Rằm tháng Bảy, con cháu trong dòng họ Đào sắm sửa, dọn dẹp nhà thờ.
Ngày Rằm tháng Bảy được xem là một trong những ngày lễ quan trọng của người Việt. “Cả năm được Rằm tháng Bảy, cả thảy được Rằm tháng Giêng”. Vì thế, vào dịp này, mỗi một người con Hà Tĩnh dù đi xa hay đang ở chốn quê đều hướng về gia đình, dòng tộc để tỏ lòng biết ơn với bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên.
Còn hầu khắp các dòng họ ở Hà Tĩnh sẽ tổ chức lễ rằm với không khí thành kính, trang nghiêm. Tùy phong tục tập quán, lễ cúng rằm của mỗi dòng tộc, địa phương sẽ có những nét đặc trưng.
Ông Đào Duy Sính thắp nén tâm hương dâng lên ông bà, tổ tiên.
Tại nhà thờ Đào Hữu Ích (xã Sơn Bằng, Hương Sơn) trước mỗi dịp Rằm tháng Bảy ít ngày, con cháu trong dòng họ lại tất bật sắm sửa, dọn dẹp nhà thờ, chuẩn bị mâm lễ để dâng lên bàn thờ.
Ông Đào Duy Sính - tộc trưởng họ Đào cho biết: “Ngoài ngày lễ tế tổ vào 22/6 âm lịch, những ngày lễ quan trọng như Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Bảy, dòng họ Đào chúng tôi đều tổ chức cho con cháu về dọn dẹp nhà thờ và thắp hương, tế lễ. Dịp Rằm tháng Bảy này, ban gia tộc tổ chức tế ở nhà thờ và con cháu sẽ tập trung về đây để sửa soạn, làm lễ".
Rằm tháng Bảy cũng là dịp để ông Sính giáo dục con cháu các nét văn hóa của dòng tộc.
Nếu như vào thời điểm này 2 năm trước, dịp Rằm tháng Bảy, các hoạt động cúng lễ tập trung phải hạn chế bởi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì năm nay, dòng họ Đào dự định sẽ tổ chức các hoạt động thắp hương, lễ tế với sự tham gia đầy đủ của con cháu.
“Cúng Rằm tháng Bảy là một nét đẹp văn hóa truyền thống của nhiều dòng họ. Con cháu trong dòng tộc dù xa hay gần đều luôn cố gắng sắp xếp công việc để về thắp hương cho ông bà, tổ tiên. Nét văn hóa này rất đáng quý và cần phải được lưu giữ để thế hệ con cháu sau này mãi nhớ ơn cội nguồn”, ông Sính nói thêm.
Con cháu dòng họ Vũ - Võ dọn dẹp khuôn viên nhà thờ, chuẩn bị cho ngày rằm.
Còn tại nhà thờ họ Vũ - Võ (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh), trước ngày Rằm tháng Bảy, con cháu tập trung về nhà thờ vào dịp cuối tuần để dọn dẹp khuôn viên, chuẩn bị lễ vật...
Ông Võ Tá Ngọc - đại diện Ban Quản lý di tích nhà thờ họ Vũ - Võ cho biết: Rằm tháng Bảy là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn đối với các bậc sinh thành, ông bà, tổ tiên. Vì thế, vào dịp này, con cháu trong dòng họ ở khắp mọi miền về tụ họp, cùng thắp nén tâm hương lên bàn thờ tiên tổ.
Với tấm lòng thành kính, nhớ ơn tiên tổ, con cháu dòng họ Vũ - Võ đang dọn dẹp nhà thờ sạch đẹp, chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm.
Theo truyền thống của dòng họ Vũ - Võ, trong ngày 14 âm lịch, từng gia đình sẽ tự lo việc sửa sang, bài trí bàn thờ, bày mâm ngũ quả... Đến ngày 15 âm lịch, con cháu trong dòng họ sẽ đến nhà thờ sớm để chuẩn bị đồ lễ tế. Mâm cỗ cúng là cỗ mặn, được những người phụ nữ trong dòng họ tự tay chế biến, đặc biệt, không thể thiếu cỗ xôi gà truyền thống.
Sau khi những mâm cỗ tinh tươm nhất được dâng lên bàn thờ, con cháu trong dòng tộc sẽ tập trung tại nhà thờ, các bậc cao niên đọc văn tế để tưởng nhớ tổ tiên và những nén hương lần lượt được dâng lên tiên tổ với mong ước bình an, may mắn.
Đến ngày cúng Rằm tháng Bảy, các bậc cao niên của dòng họ Vũ - Võ sẽ đọc văn tế để tưởng nhớ tổ tiên. (Ảnh tư liệu).
Không chỉ riêng dòng họ Đào hay họ Vũ - Võ mà hầu hết các gia đình, dòng họ trên địa bàn Hà Tĩnh đều tổ chức lễ Rằm tháng Bảy với tấm lòng thành kính, nhớ ơn đạo sinh thành, gây dựng dòng tộc của tổ tiên. Đây cũng là dịp để mọi người trong dòng tộc có cơ hội quây quần, trao nhau những lời hỏi thăm ân cần đến con cháu xa gần hay cùng ngồi lại bàn bạc các việc quan trọng của họ tộc… Dịp này, nhiều dòng họ cũng tổ chức trao quà của quỹ khuyến học cho con cháu có thành tích trong học tập và làm lễ vào họ cho những em bé mới sinh.
Ngày Rằm tháng Bảy chính là dịp để nhắc nhở mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự hiếu kính với tổ tiên. Cho dù xã hội phát triển, lễ tế ngày Rằm ở một số nơi, một số dòng họ còn rườm rà...; song về cơ bản thì đây vẫn là một nét đẹp truyền thống, nhân văn đang được các dòng họ ở khắp mọi miền quê Hà Tĩnh gìn giữ.