Các ngân hàng Hà Tĩnh kịp thời "bơm vốn" phát triển sản xuất, kinh doanh

(Baohatinh.vn) - Với sứ mệnh đáp ứng kịp thời nguồn vốn cho các dự án đầu tư, các đối tượng khách hàng, những năm qua, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực vượt bậc để đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Hà Tĩnh.

Dồn vốn và tiếp sức

Hà Tĩnh hiện có 19 chi nhánh ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 1 ngân hàng HTX, 32 quỹ tín dụng nhân dân. Mạng lưới các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã vươn đến tận các địa phương trong tỉnh, phục vụ nguồn vốn cho phát triển KT-XH.

Các ngân hàng Hà Tĩnh kịp thời “bơm vốn” phát triển sản xuất, kinh doanh

Nguồn vốn vay từ các ngân hàng kịp thời trợ lực giúp các thành phần kinh tế phát triển sản xuất, kinh doanh

Thời gian qua, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã có những đóng góp đáng kể trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các thành phần kinh tế. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng đã triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp và nông thôn; góp phần phát triển nông nghiệp bền vững gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp vẫn là “lực hút” của các ngân hàng. Đơn cử như 5 tháng đầu năm, dư nợ cho vay của Agribank Hà Tĩnh đạt gần 11.600 tỷ đồng, trong đó, 93% dư nợ tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Đầu năm đến nay, các ngân hàng và tổ chức tín dụng đã cho 44 khách hàng thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất vay vốn với doanh số cho vay 15,91 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ và tỉnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, xây dựng nông thôn mới… Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 43 nghìn lượt khách được vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất với doanh số đạt 8.693 tỷ đồng, số lãi được hỗ trợ hơn 348 tỷ đồng.

Các ngân hàng Hà Tĩnh kịp thời “bơm vốn” phát triển sản xuất, kinh doanh

Nhân viên Vietcombank Hà Tĩnh tư vấn cho khách hàng. Ảnh Nguyễn Oanh

Trong tổng số hơn 6.000 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thì có đến 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây được xem là “rường cột” phát triển kinh tế của toàn tỉnh. Đối với nhóm khách hàng này, hệ thống ngân hàng đã đẩy mạnh công tác huy động vốn tại chỗ, tăng cường tư vấn, hướng dẫn khách hàng mở rộng cho vay… Đầu năm đến nay, dư nợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 7.094 tỷ đồng, chiếm 17,47% tổng dư nợ toàn địa bàn với 1.728 doanh nghiệp còn dư nợ…

“Hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó, giải quyết việc làm mới cho người lao động, nâng cao giá trị sản xuất” - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Huy Tiến đánh giá.

Nêu cao trách nhiệm về an sinh xã hội

Bên cạnh hoạt động chuyên môn, công tác an sinh xã hội được hệ thống ngân hàng chú trọng thực hiện và xem đây là trách nhiệm đối với cộng đồng. Hoạt động an sinh xã hội của ngành ngân hàng ghi dấu ấn ở các công trình trên những miền quê nông thôn mới; những ngôi nhà tình nghĩa dành cho người nghèo, người có công với cách mạng, những mái trường cho học sinh vùng khó; những chuyến gạo cứu đói, trang thiết bị hỗ trợ kịp thời cho bà con vùng lũ…

Các ngân hàng Hà Tĩnh kịp thời “bơm vốn” phát triển sản xuất, kinh doanh

Agribank Hà Tĩnh tặng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Hồng (Thạch Hà)

Đứng trước ngôi nhà xây kiên cố vừa mới đưa vào sử dụng hơn 1 tháng nay, bác Nguyễn Sỹ Hồng (73 tuổi, ở Thạch Hà) không giấu nổi niềm vui. Bác Hồng cho biết: “Được các cán bộ Agribank Hà Tĩnh hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng, cùng với sự giúp đỡ của các đoàn thể, người thân, gia đình bác đã xây được ngôi nhà mà mấy chục năm không thể làm được”. Đây là 1 trong 50 ngôi nhà tình nghĩa Agribank Hà Tĩnh hỗ trợ các đối tượng chính sách, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh với tổng trị giá gần 2 tỷ đồng, nhằm hướng tới kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc.

Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Agribank Hà Tĩnh Trần Sỹ Thu cho biết: “Với vị thế là một ngân hàng thương mại trụ cột, công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo được Agribank thực hiện xuyên suốt, song song với nhiệm vụ kinh doanh. Đặc biệt, tinh thần sẻ chia với cộng đồng đã thường trực trong ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công nhân viên toàn chi nhánh”.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị thực hiện hoạt động tài trợ đỡ đầu, an sinh xã hội toàn ngành đạt gần 24 tỷ đồng…

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Giá vàng giảm xuống thấp nhất gần 2 tháng

Theo các chuyên gia, giá vàng hạ nhiệt do đồng USD mạnh lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đồng thời chịu áp lực do lập trường ủng hộ bitcoin của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Tài chính thị trường ngày 12/11: Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp. Chi tiết có trong Bản tin Tài chính thị trường ngày 12/11 của Báo Hà Tĩnh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.