Thời gian qua, thị trường BĐS có nhiều biến động bất thường, tiềm ẩn rủi ro.
Thời gian qua, giá đất tăng “chóng mặt”, hiện tượng đầu cơ, “lướt sóng” đã làm rối loạn thị trường, gây ra những tiềm ẩn rủi ro cho lĩnh vực đầu tư BĐS. Để tăng cường quản lý thị trường BĐS, trong kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã yêu cầu các ngân hàng thương mại phải hướng tín dụng vào sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; đồng thời tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như: đầu tư, kinh doanh BĐS, chứng khoán…
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình KT-XH diễn ra ngày 5/4/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm sát tình hình; tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực BĐS, thị trường chứng khoán...; rà soát, phát hiện các “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp. |
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm một số vấn đề để đảm bảo an toàn hoạt động, trong đó, thực hiện kiểm soát các khoản cấp tín dụng với lĩnh vực rủi ro. Theo đó, dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS tiếp tục được các ngân hàng siết chặt.
Các ngân hàng ở Hà Tĩnh chủ yếu cho vay BĐS tiêu dùng (mua đất ở, mua nhà ở...).
Bà Trần Thị Hồng Thắm - Trưởng phòng Khách hàng bán lẻ (Vietcombank Hà Tĩnh) cho biết: “Dư nợ BĐS tiêu dùng của chi nhánh hiện là 850 tỷ đồng trên tổng dư nợ là 10.773 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của NHNN tỉnh Hà Tĩnh và Vietcombank Việt Nam, chi nhánh thực hiện thẩm định chặt chẽ phương án, dự án vay vốn của khách hàng, đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành. Với những khách hàng không đủ điều kiện vay vốn và mục đích vay không phù hợp, chi nhánh kiên quyết từ chối”.
Từ đầu năm lại nay, nhu cầu vay vốn đầu tư BĐS của khách hàng lớn nhưng ngân hàng thực hiện theo đúng quy định. Đối với vay BĐS tiêu dùng, Vietcombank Hà Tĩnh chỉ cho vay theo gói trung, dài hạn và yêu cầu khách hàng đảm bảo phân kỳ trả nợ đều đặn hằng tháng
Dư nợ BĐS tiêu dùng của Vietcombank Hà Tĩnh hiện là 850 tỷ đồng.
Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cũng “thắt chặt” hơn đối với nhu cầu BĐS tiêu dùng. Ông Võ Minh Mạnh – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho hay, đến thời điểm này, tổng dư nợ BĐS tiêu dùng của đơn vị là 797 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,9% tổng dư nợ. Đơn vị tuân thủ nghiêm quy định, quy trình và thẩm quyền cấp tín dụng đối với khách hàng; tăng cường kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi cho vay nhằm không để khách hàng sử dụng vốn sai mục đích vào đầu tư kinh doanh BĐS.
Ngoài ra, chi nhánh đặc biệt lưu ý đối với các khoản vay tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực BĐS (cho vay sửa chữa, mua nhà ở, đất ở…). Trường hợp phát hiện dấu hiệu rủi ro phải tiến hành kiểm tra trực tiếp và triển khai ngay các biện pháp xử lý nợ thích hợp. Nếu khách hàng sử dụng vốn sai mục đích phải chấm dứt giải ngân, kiên quyết thu hồi nợ trước thời hạn.
Khách hàng đến giao dịch vay vốn tại Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II.
Cùng đó, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II chuyển mạnh dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Hiện, chi nhánh đang triển khai gói vay hỗ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với lãi suất chỉ 4,5%/năm (trong 6 tháng đầu).
Để tránh trường hợp khách hàng “lợi dụng chính sách”, vay vốn giá rẻ đầu tư kinh doanh BĐS, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II kiên quyết xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp có hành vi vi phạm về cấp tín dụng do nguyên nhân chủ quan. Cụ thể như: thẩm định không khách quan; không quản lý dòng tiền; chưa đánh giá đầy đủ thực trạng của khách hàng dẫn đến việc cho vay, bảo lãnh không đủ điều kiện; khách hàng sử dụng vốn sai mục đích nhưng thiếu kiểm tra, giám sát thường xuyên…
Tại các ngân hàng thương mại cổ phẩn như: Sacombank, Techcombank, HDBank…, việc kiểm soát chặt chẽ tín dụng BĐS cũng được chú trọng.
Ông Trần Quang Hải - Giám đốc Techcombank Hà Tĩnh cho hay: “Hiện nay, dư nợ BĐS chiếm 60% trên tổng dư nợ của chi nhánh. Trước sự bất ổn của thị trường BĐS, Techcombank Hà Tĩnh siết chặt công tác thẩm định khách hàng, mục đích tài trợ vốn của ngân hàng, chỉ cho vay dài hạn (không cho vay ngắn hạn) đối với lĩnh vực BĐS... để tránh rủi ro cho ngân hàng”.
Dư nợ BĐS của Techcombank Hà Tĩnh chiếm 6%/tổng dư nợ của chi nhánh.
Mục tiêu đặt ra của hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh năm 2022 là tăng trưởng dư nợ tín dụng từ 15-17% so với cuối năm 2021. Tuy vậy, các ngân hàng tuyệt đối không “nới lỏng” quy định về tín dụng đối với khách hàng. Thay vào đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục chú trọng nguồn vốn vào sản xuất - kinh doanh, vào các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp – nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu…) nhằm góp phần khôi phục và phát triển nền kinh tế trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và tạo sự phát triển bền vững.
Đến 31/3/2022, dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS là 10.593,19 tỷ đồng, chiếm 13,45% dư nợ toàn địa bàn, tăng 10,12% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ lĩnh vực BĐS với mục đích tự sử dụng là 9.822,82 tỷ đồng, chiếm 92,72% dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS, tăng 6,76% so với cuối năm 2021; dư nợ lĩnh vực BĐS với mục đích để bán, cho thuê, cho thuê lại là 745,73 tỷ đồng, chiếm 7,04% dư nợ cho vay lĩnh vực BĐS, tăng 89,26% so với cuối năm 2021; dư nợ kinh doanh BĐS khác là 24,64 tỷ đồng, chiếm 0,24% dư nợ lĩnh vực BĐS, giảm 1,56% so với cuối năm 2021. |