Giờ ôn tập Toán với nội dung số chẵn và số lẻ của lớp 4A - Trường Tiểu học Thạch Khê (Thạch Hà) trở nên sôi động, hào hứng bởi sự đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên. Việc tiếp cận nội dung, yêu cầu bài học được cô giáo tổ chức thành hình thức trò chơi ai nhanh hơn giữa 2 đội khi tìm kiếm các số chẵn và số lẻ.
Việc ôn tập kiến thức bài học của học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Thạch Khê được giáo viên dẫn dắt qua hình thức học mà chơi.
Sau phần thi của 2 đội là phần nhận xét của các thành viên trong lớp và những câu hỏi yêu cầu các thành viên trong mỗi đội giải thích lý do của việc lựa chọn các số chẵn và số lẻ. Sự đổi mới phương pháp cùng với tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh và học sinh không chỉ giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói trước tập thể mà còn là cách để học sinh hiểu sâu, hiểu lâu hơn những kiến thức của bài học.
Học sinh được tăng cường tương tác trong mỗi giờ học.
Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên lớp 4A, Trường Tiểu học Thạch Khê chia sẻ: "Giáo viên chúng tôi đã được làm quen với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến nay. Mặc dù vậy, để vận hành tốt chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 4, ngoài sự hỗ trợ của ban giám hiệu nhà trường, tổ bộ môn, tôi cũng phải dành nhiều thời gian nghiên cứu sách giáo khoa, chuẩn bị kỹ bài giảng trước khi đến lớp, thực hiện linh hoạt đổi mới phương pháp giảng dạy. Có như thế mới tạo được không khí hứng thú, khơi gợi sự chủ động trong việc học tập, nắm bắt kiến thức của học sinh”.
Dù lần đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 8 nhưng nhờ có sự tiếp nối phương pháp dạy học ở các lớp 6, 7 nên các trường THCS ở Hà Tĩnh đã bắt nhịp khá tốt sau 2 tuần thực hiện chương trình.
Hoạt động nhóm giúp các em có điều kiện phát huy tư duy về bài học.
Cô Nguyễn Thị Mai Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Hà (thành phố Hà Tĩnh) cho biết: “Để triển khai hiệu quả chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 8, trước đó, trường đã ưu tiên lựa chọn đội ngũ giảng dạy chương trình mới. Đồng thời, chỉ đạo giáo viên chú trọng hoạt động nghiên cứu, lựa chọn sách, tập huấn về nội dung sách giáo khoa mới. Cùng với sự chỉ đạo của Ban giám hiệu, ý thức trách nhiệm của mỗi giáo viên, các tổ chuyên môn cũng đã vào cuộc quyết liệt trong các hoạt động sinh hoạt nghiệp vụ, trao đổi sáng kiến, kinh nghiệm… Nhờ đó, ngay từ những tuần học đầu tiên, giáo viên, học sinh đã vận hành sách mới một cách nhuần nhuyễn”.
Học sinh Trường THCS Nam Hà đã không còn bỡ ngỡ khi tiếp cận chương trình mới.
Ở bậc THPT, đây là năm đầu tiên triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 11 nhưng cũng là năm thứ 2 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên giáo viên không còn bỡ ngỡ. Dưới sự chỉ đạo của ngành, sự linh hoạt của các nhà trường trong việc bố trí giáo viên bộ môn, những khó khăn về việc giảng dạy các môn tích hợp như: Lịch sử và Địa lý, khoa học tự nhiên… cũng đã được tháo gỡ. Cùng đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng, sự chủ động trong đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng đã truyền cảm hứng vào trong mỗi giờ học của học sinh.
Em Nguyễn Thị Cẩm Ly - học sinh lớp 11A6 Trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Từ sự hướng dẫn của các thầy cô giáo và việc làm quen với phương pháp mới trong năm học trước nên chúng em bắt nhịp nhanh với chương trình. Phương pháp học tập mới giúp chúng em phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu nên em nắm khá chắc nội dung kiến thức bài học, trở nên tự tin, mạnh dạn hơn khi trình bày quan điểm và hiểu biết của mình”.
Giáo viên, học sinh Trường THPT Cẩm Bình tự tin làm chủ kiến thức trong mỗi giờ học.
Từ kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở những năm trước, việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở các lớp 4, 8 và 11 trong năm học 2023 - 2024 tại các trường học ở Hà Tĩnh được vận hành trôi chảy. Sách giáo khoa mới cũng đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc dạy học và tiếp nhận kiến thức của giáo viên, học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Năm học 2023 - 2024 được xem là năm bứt phá, đổi mới của ngành giáo dục, vì thế, để triển khai có hiệu quả chương trình sách giáo khoa mới, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phòng GD&ĐT tăng cường công tác tham mưu, kêu gọi nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học trong tình hình mới. Ngành cũng chú trọng các hoạt động bồi dưỡng đội ngũ, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho các bộ, giáo viên, đặc biệt là giáo viên thực hiện chương trình sách giáo khoa mới.
Từ sự quan tâm của ngành và sự nỗ lực của các nhà trường, giáo viên, qua 2 tuần học đầu tiên của năm học cho thấy, các lớp 4, 8 và 11 đã bắt nhịp khá tốt với chương trình sách giáo khoa mới.