Cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi: Cần thiết để phòng tránh dịch Covid-19 lây lan

Cách ly xã Sơn Lôi không phải theo suy nghĩ cực đoan của một số người rằng, đang thể hiện sự kỳ thị, mà đây là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của chính người dân Sơn Lôi và cả cộng đồng

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) trên địa bàn, bắt đầu từ hôm nay (13/2), UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên).

Việc khoanh vùng cách ly áp dụng với toàn bộ người dân, công nhân, người thuê trọ ở xã Sơn Lôi. Sơn Lôi là xã đã có 5 người nhiễm virus Corona. Theo đó, đối tượng cách ly là toàn bộ người dân, công nhân, người thuê trọ trong xã. Huyện Bình Xuyên - xã Sơn Lôi sẽ thiết lập 8 chốt kiểm soát với nhiệm vụ cách ly hoàn toàn địa phương này. Xã Sơn Lôi sẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” trong thời gian 20 ngày.

Cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi: Cần thiết để phòng tránh dịch Covid-19 lây lan

Hình ảnh chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn xã Sơn Lôi thời gian vừa qua. (Ảnh: NT)

Trước tình hình dịch ở Trung Quốc và trên thế giới có nhiều diễn biến khó lường với tốc độ lây lan khá nhanh và cơ chế lây như khuyến cáo của các cơ quan y tế, việc cách ly hoàn toàn xã Sơn Lôi là hoàn toàn cần thiết.

Tính đến thời điểm này, Vĩnh Phúc là nơi có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-2019 nhất trong cả nước với đầy đủ các ca bệnh như khuyến cáo của cơ quan y tế: người bị nhiễm từ vùng dịch Vũ Hán (Trung Quốc); lây nhiễm tại chỗ và lây nhiễm đối với cả ở độ tuổi THPT và cả cháu bé 3 tháng tuổi.

Hiện Vĩnh Phúc có 10 ca nhiễm Covid-2019, riêng xã Sơn Lôi có 5 trường hợp, 91 người nằm trong diện theo dõi tập trung ở tỉnh và 21 người ở Phòng khám đa khoa Quang Hà. Vì thế, xã Sơn Lôi là địa phương được tỉnh Vĩnh Phúc tạm thời cách ly hoàn toàn trong khoảng thời gian 20 ngày (13/2 - 3/3) để khoanh vùng, dập dịch.

Có thể nói, sau 22 ngày phát hiện ca nhiễm Covid-2019 đầu tiên tại Việt Nam, đến nay Việt Nam đang kiểm soát khá tốt dịch bệnh với nhiều biện pháp như tuyên truyền cho người dân về dịch bệnh, các khuyến cáo y tế để có biện pháp phòng tránh nhưng không quá hoang mang. Cùng với đó là việc khoang vùng dịch bệnh sát đến từng khu dân cư, từng tòa nhà, khu phố, ngõ xóm cũng như theo dõi cách ly tại các cơ sở y tế cũng như tại nhà các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ tùy theo mức độ, đến việc thành lập các khu cách ly tiếp nhận những người từ vùng dịch cũng phân loại, kiểm soát được những người có nguy cơ cao để tránh lây lan ra cộng đồng. Việc cho học sinh, sinh viên nghỉ học để tránh lây nhiễm ở những nơi có nguy cơ cao cũng đã được thực hiện...

Vì thế, sau gần 1 nửa tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố dịch Covid-2019, đến nay có thể bước đầu khẳng định dịch Covid-2019 đang được Việt Nam kiểm soát hiệu quả. Cùng với đó việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-2019 cũng được chăm sóc, chữa trị kịp thời, hiệu quả với 7/15 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện.

Có thể khẳng định lại, việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh như vậy là do chúng ta đã làm tốt công tác khoang vùng, kiểm soát dịch. chúng ta có thể yên tâm với việc kiểm soát dịch bệnh cũng như hệ thống y tế của Việt Nam, nhưng cũng không thể chủ quan, lơi là.

Bài học của Trung Quốc vẫn đang còn đó. Khi tỉnh Hồ Bắc có dấu hiệu giấu dịch hồi tháng 12/2019, dịch đã vượt tầm kiểm soát và bùng phát. Đến ngày 31/12/2019, khi chính quyền Trung Quốc thông báo với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về sự xuất hiện của một loại virus lạ gây viêm phổi cấp tại Vũ Hán và sau đó Bắc Kinh công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán. Tuy dịch Covid-2019 đã gây ra những hậu quả nặng nề, nhưng sau khi Trung Quốc công khai dịch bệnh, cùng với hỗ trợ của WHO và sự hỗ trợ của quốc tế, Trung Quốc đã có các hành động hiệu quả nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Với cơ chế lây lan của dịch Covid-2019 qua việc tiếp xúc với giọt nước bọt từ người ho, hắt hơi, sổ mũi vào đường hô hấp, lây trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh mà không thực hiện biện pháp phòng bệnh và lây truyền qua bề mặt trung gian đã nhiễm bẩn thì khó có thể khẳng định được sẽ không bị lây nhiễm nếu không có biện pháp phòng tránh an toàn, không khoanh vùng được dịch bệnh.

Còn với khuyến cáo của WHO, một người nhiễm Covid-2019 có thể lây cho 2,2 người, thì khi không kiểm soát tốt ai bị nhiễm, nghi nhiễm thì sẽ rất kinh khủng con số lây lan sẽ theo lũy thừa và khi đó sẽ “vỡ trận” trong kiểm soát, phòng chống dịch. Do vậy, với việc cách ly xã Sơn Lôi- một xã đang có số người nhiễm Covid-2019 và trong diện nghi nhiễm lớn nhất trong cả nước hiện nay- là hoàn toàn cần thiết.

Bởi, chính bản thân những người bị nhiễm và nghi nhiễm cũng như mọi người, không ai có thể kiểm soát được họ đã tiếp xúc với ai, số lượng như thế nào. Trong khi đó thời gian ủ bệnh lại khá dài, nên cũng không ai biết chắc được mình nhiễm dịch hay không khi tiếp xúc với những người nhiễm hoặc nghi nhiễm.

Cách ly xã Sơn Lôi không phải là cách ly theo suy nghĩ của nhiều người cực đoan cho rằng là đang kỳ thị những người dân ở đây. Hiểu như thế là hoàn toàn không có ý xây dựng và chưa hiểu đúng về công tác phòng chống dịch. Cách ly ở đây là cách ly về mặt y tế, chính những người dân sống ở Sơn Lôi (vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao vì đã có nhiều người bị nhiễm và nghi nhiễm) cũng không biết được họ có bị nhiễm Covid-2019 hay không. Vì thế việc khoanh vùng để theo dõi, điều trị kịp thời cho những người không may nhiễm Covid-2019 là hoàn toàn cần thiết đối với bản thân họ. Cùng với đó là để dịch không lây lan ra cộng đồng, để không khiến công tác phòng chống dịch cho người dân thêm khó khăn và khó kiểm soát. Mặt khác, những người dân ở Sơn Lôi khi bị cách ly được quan tâm chu đáo, họ được nhận hỗ trợ 40.000 đồng/người/ngày và được chăm sóc y tế thường xuyên, chu đáo.

Trong khi cả nước, các cấp, các ngành và toàn xã hội đang chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-2019, rất cần có những góc nhìn, hành động mang tính xây dựng. Đó cũng là vì lợi ích của chính bản thân mình và của cả cộng đồng./.

Theo VOV

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.