“Cách ly lỏng lẻo sẽ khiến dịch bùng phát trong cộng đồng”

Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhận định việc không quyết liệt trong thời gian cách ly đã khởi động nguy cơ tạo ổ dịch ở cộng đồng.

Tối 30/11, Bộ Y tế công bố ca nhiễm trong khu cách ly tại TP. Hồ Chí Minh sau hơn 100 ngày địa phương này “sạch bóng” nCoV. Một giáo viên tiếng Anh lây nhiễm virus khi tiếp xúc bệnh nhân 1342 trong thời gian người này cách ly tại nhà.

Trao đổi với Zing , bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), chuyên gia phòng, chống dịch tại Covid-19, cho biết quy định quá lỏng lẻo, không quyết liệt trong thời gian cách ly đã tạo ra ca nhiễm này, nếu thêm nhiều người mắc khác sẽ thành ổ dịch trong cộng đồng.

“Cách ly lỏng lẻo sẽ khiến dịch bùng phát trong cộng đồng”

Các bệnh nhân trong khu cách ly đã nhiễm virus thế nào?

Theo báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh, ngày 14/11, nam tiếp viên hàng không tên D.T.H. (28 tuổi, ngụ 50 Bạch Đằng, phường 2, Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) và phi hành đoàn đáp chuyến bay VN5301 chở khách từ Nhật Bản về sân bay Cần Thơ. Sau đó, tổ bay tiếp tục bay về sân bay Tân Sơn Nhất tối cùng ngày.

Toàn bộ tổ bay trên được cách ly tập trung tại cơ sở cách ly của hãng hàng không tại 115 Hồng Hà, quận Tân Bình từ ngày 15/11. Kết quả xét nghiệm lần 1, 2 vào ngày 15 và 18/11 đều âm tính.

Ngày 17/11, tại khu cách ly, anh H. có tiếp xúc một tiếp viên của chuyến bay khác từ Rumani về. Sau đó vào ngày 25/11, người tiếp viên của chuyến bay Rumani có xét nghiệm dương tính với Covid-19 (BN1325).

“Như vậy, khả năng cao bệnh nhân H. bị lây nhiễm khi tiếp xúc trong quá trình cách ly do không tuân thủ quy định cách ly tập trung, bởi chuyến bay của bệnh nhân này không có trường hợp nào khác dương tính”, báo cáo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh nêu rõ.

Do toàn bộ hành khách và tổ bay trên chuyến bay VN5301 có kết quả xét nghiệm kiểm tra âm tính với virus gây Covid-19, theo quy định của Bộ Y tế, tiếp viên H. được kết thúc cách ly tập trung vào ngày 18/11 (ngày thứ 5 sau khi nhập cảnh). Người này chuyển về tiếp tục cách ly tại nơi cư trú đến khi đủ 14 ngày ở 50 Bạch Đằng, phường 2, quận Tân Bình và xét nghiệm kiểm tra vào ngày thứ 14.

Tuy nhiên, trong thời gian cách ly tại nhà, BN1342 tiếp tục không tuân thủ cách ly, đã tiếp xúc gần với mẹ, một người bạn nữ và ở cùng phòng trọ với một nam giáo viên tiếng Anh tên L.M.S. Ngày 28/11 (ngày cách ly thứ 14), bệnh nhân H. xét nghiệm dương tính. Hai ngày sau, người bạn cùng phòng trọ tên S. cũng dương tính nCoV.

Như vậy, từ nguồn lây nhiễm là tiếp viên hàng không trên chuyến bay Rumani, BN1342 đã nhiễm virus và tiếp tục lây chéo sang BN1347.

“Quy định cách ly đang lỏng lẻo”

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, giai đoạn dịch Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng, các địa phương thực hiện quy định cách ly rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, sau gần 3 tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, việc cách ly bắt đầu chủ quan thấy rõ.

“Việc để trường hợp có nguy cơ tiếp xúc nhiều người khác trong thời gian cách ly là sai quy định và vô trách nhiệm. Khi tạo ra chùm lây nhiễm trong khu cách ly và lây ra cộng đồng, cả ngành y tế và cộng đồng phải cùng vào cuộc, tốn nhiều công sức hơn”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Trước đó, trong cuộc trò chuyện với Zing , bác sĩ Khanh từng nhận định mối nguy cơ tiềm ẩn hiện nay là khu cách ly có trả phí và khu cách ly không thuộc cơ sở y tế công lập của Nhà nước.

Cách đây không lâu, người dân Hà Nội rối loạn về việc hai nhân viên khách sạn phải cách ly tập trung do cho bệnh nhân Covid-19 đang cách ly mượn điện thoại. May mắn, hai người này âm tính với nCoV.

“Việc quản lý người cách ly, các biện pháp đảm bảo an toàn, bảo hộ tại khu vực này không chặt chẽ như cơ sở y tế. Vấn đề theo dõi sức khỏe, thiết kế lối đi riêng cho người cách ly, xử lý chất thải… còn lỏng lẻo. Nhân viên tại khu cách ly này được huấn luyện nhưng chưa chuyên nghiệp. Chúng ta phải tuyệt đối lưu ý trong thời gian chờ xét nghiệm, tất cả trường hợp nghi ngờ phải được xem là người có virus và cần được cách ly nghiêm ngặt”, bác sĩ Khanh khẳng định.

Một chuyên gia điều trị Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh cũng nhận định: “Cách ly không nghiêm túc tại cơ sở cách ly có thể khiến nơi này trở thành ổ dịch”.

TP. Hồ Chí Minh khó trở thành Đà Nẵng thứ 2

Sau giai đoạn chống dịch đợt 2, Việt Nam trải qua hơn 3 tháng không có ca mắc trong cộng đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân 416 đã xuất hiện ở Đà Nẵng, kết thúc chuỗi 99 ngày. Từ đây, đợt bùng phát thứ 3 bắt đầu từ cuối tháng 7, kéo dài đến cuối tháng 8 mới kiểm soát được cơ bản tình hình.

Nhận định về khả năng bệnh nhân 1347 có thể lây virus cho người tiếp xúc, trở thành chùm ca bệnh trong cộng đồng, bác sĩ Khanh cho biết ngành y tế phải theo dõi sát các trường hợp F1 mới có thể kết luận. Tuy nhiên, chuyên gia này nhận định TP. Hồ Chí Minh khó rơi vào tình trạng dịch lan rộng như giai đoạn 2 ở Đà Nẵng.

Nguyên nhân là bệnh nhân mới được ghi nhận nhiễm virus trong thời gian F0 cách ly. Nguồn lây nhiễm chưa đi ra cộng đồng, chưa lọt vào trong cơ sở y tế.

“Hiện tại, nếu có ca nhiễm thứ phát, khả năng rất cao người này sẽ vào bệnh viện. Do đó, các cơ sở y tế hiện tại cần siết chặt hơn nữa các quy định rà soát người ra vào, tăng cường xét nghiệm người nguy cơ mới có thể kiểm soát tình hình. Giai đoạn chống dịch Covid-19 từ Đà Nẵng như thế nào, hiện tại, chúng ta khởi động quy trình tương tự thì mới có thể kiểm soát được tình hình này”, bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết 2 bệnh nhân 1342 và 1347 đã lây nhiễm trong thời gian cách ly. Do đó, từ thời điểm này, ngành y tế cần kiểm soát nghiêm ngặt lại khu cách ly tập trung tư nhân và quản lý người cách ly tại nhà. Do yêu cầu phát triển kinh tế và thương mại, khu cách ly tư nhân có trả phí, khu cách ly tự lập ra đời. Tuy nhiên, ngành y tế phải đào tạo chuyên môn và giám sát chặt chẽ các cơ sở này để tránh lây nhiễm chéo, vô tình bùng phát ổ dịch.

Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng hiện tại, vấn đề tinh thần là cực kỳ quan trọng, không hoang mang.

Người dân cần nhìn mọi góc độ theo tính chất tích cực, càng nghe các thông tin sai lệch sẽ càng thêm hoang mang. Thông điệp 5K (khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế) lúc này cần được tuân thủ nghiêm.

“Sau việc này, chúng ta cần nghiêm túc xem xét yếu tố nguy cơ của bản thân, bình tĩnh và theo dõi sát thông báo của ngành y tế về các khu vực nguy cơ. Tin tức này là điều mà không ai mong muốn nhưng khi nó xảy ra thì tất cả chúng ta cùng làm để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng”, bác sĩ Khanh nói.

“Đừng chủ quan quá lâu Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu chúng ta chủ quan”, bác sĩ Khanh kêu gọi.

Theo Zing

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.