Anh Hoàng Văn Thất chia sẻ về quá trình cải tạo gần 10 ha đất hoang trồng lúa.
Ngồi trên chiếc máy gặt giữa cánh đồng lúa chín bạt ngàn, anh Hoàng Văn Thất (SN 1985, thôn Phúc Tuy, xã Xuân Viên) lau vội những giọt mồ hôi trên mặt và kể: “Mảnh đất này còn gọi là vùng Đồng De, Đồng Đượng thuộc diện tích đất nông nghiệp của 4 thôn: Phúc Tuy, Xuân Áng, Khang Thịnh, Mỹ Lộc của xã Xuân Viên. Mới năm ngoái đây thôi, chỗ này vẫn còn là đất hoang, cỏ lác mọc um tùm do người dân trồng lúa ít, thậm chí nhiều khu vực bỏ hoang cả chục năm nay”.
Cánh đồng lúa chín vàng của vợ chồng anh Thất trong đợt thu hoạch.
Vùng đất bỏ hoang ngày nào mà anh Thất kể giờ đã là đồng lúa với những bông nặng trĩu, hạt nào hạt nấy chắc mẩy. Đó là nhờ đôi bàn tay, sự chịu khó của anh Thất và vợ - chị Trần Hồng Thùy (SN 1986).
Câu chuyện vợ chồng anh mạnh dạn cải tạo đất bỏ hoang lâu năm để trồng lúa đã khiến nhiều người trong vùng không khỏi thán phục về ý chí, quyết tâm phát triển kinh tế trên chính quê hương của mình.
Sinh ra trên vùng quê Xuân Viên, từ nhỏ, cả anh Thất và chị Thùy đều đã quen với đồng ruộng. Lập gia đình năm 2008, anh chị chỉ làm vài ba sào ruộng để lấy lương thực tự phục vụ gia đình. Bắt đầu từ năm 2018, anh Thất bắt đầu mượn đất của một số người dân không sản xuất để trồng lúa. Năm 2018 và 2019, mỗi vụ xuân, vợ chồng anh Thất trồng 3 mẫu lúa, đến năm 2020 tăng diện tích lên 6 mẫu.
Vụ lúa xuân năm nay, vợ chồng anh Thất thu về gần 70 tấn lúa tươi.
Tháng 6/2020, không đành lòng khi thấy đất bỏ hoang vẫn còn nhiều nên anh Thất đã bàn với vợ xin thầu 10 ha để trồng lúa. Cải tạo đất hoang chẳng dễ dàng gì, thời gian đầu, vợ chồng anh gặp khó khăn do đường giao thông không thuận lợi. Anh đã phải thuê máy đắp đường, đắp bờ để ruộng thẳng hàng, thẳng lối. Cuối năm 2020, vợ chồng anh mạnh dạn đầu tư máy kéo, máy cày, máy bơm nước với số tiền hơn 200 triệu đồng để phục vụ sản xuất.
“Vụ xuân năm nay, vợ chồng tôi đã gieo gần 2 tấn giống lúa chủ yếu là BQ, Hương thơm, nếp 98. Để kịp thời vụ, tôi phải thuê đến 5 người cùng gieo giống, chỉ trong 4 ngày đã hoàn thành. Trong quá trình lúa sinh trưởng, ngoài 2 vợ chồng “ăn ngủ” với cánh đồng lúa, lúc cao điểm còn phải thuê thêm người chăm sóc, bơm nước” – chị Trần Hồng Thùy cho hay.
Để thu hoạch lúa, anh Thất phải thuê thêm 4 người bốc vác mỗi ngày.
Vụ sản xuất này là lần đầu tiên vợ chồng anh Thất sản xuất với diện tích đất lớn đến vậy. Gần 4 tháng chứng kiến cánh đồng lúa qua từng giai đoạn phát triển, vợ chồng anh như càng được tiếp thêm niềm vui khi lúa sinh trưởng tốt, cho vụ mùa bội thu, đạt 3,5 tạ/sào. Những ngày này, chiếc máy gặt anh thuê từ Bình Định ra phải hoạt động hết công suất. Đội nắng, làm đêm, vợ chồng anh tăng tốc thu hoạch để đảm bảo tiến độ.
Lúa xuân năm nay được mùa, năng suất và giá bán khá cao. Anh Thất nhẩm tính, với hơn 10 ha, vợ chồng anh sẽ thu về gần 70 tấn lúa gạo và lúa nếp tươi; trong đó hơn 3 tấn lúa gạo, còn lại là nếp.
Lúa gạo sau khi thu hoạch về, vợ chồng anh sẽ phơi khô, còn nếp thì chủ yếu bán tươi cho các thương lái đến mua tại ruộng với giá 500 – 530 nghìn đồng/tạ. Tính ra, vụ xuân năm nay, anh sẽ bán được khoảng 350 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, anh thu về tầm 200 triệu đồng.
Vụ mùa này, vợ chồng anh Thất chủ yếu bán lúa tươi, chỉ một phần nhỏ là đem phơi khô.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phan Tiến Thành, Xuân Viên là địa phương có diện tích trồng lúa lớn của huyện Nghi Xuân với khoảng 340 ha, trong đó có 20 ha là đất được mở rộng vụ xuân năm nay nhờ người dân khai hoang sản xuất.
Với hơn 10 ha lúa, vợ chồng anh Thất là người trồng diện tích lúa nhiều nhất của xã. Nhờ bản tính cần cù, chịu khó, vợ chồng anh đã gây dựng kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương. Để động viên các gia đình tích cực sản xuất, xã cũng đã có cơ chế hỗ trợ cho các hộ khai hoang sản xuất 100 nghìn đồng/sào.