Cam chanh, cam bù trĩu quả, người dân vui như hội

(Baohatinh.vn) - Sắp đến chính vụ thu hoạch cam, người dân 2 xã Kim Hoa, Sơn Trường - nơi được coi là “vựa" cam của huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) phấn khởi vì sản lượng dự kiến sẽ tăng hơn so với năm ngoái.

Còn khoảng hơn 1 tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch cam chanh ở Hương Sơn nhưng thời điểm này, nhiều gia đình ở xã Kim Hoa đã xuất bán những quả cam đầu mùa với giá 20 - 25.000 đồng/kg. Gia đình anh Đậu Quang Quân (SN 1985, thôn Kim Lĩnh) là một trong số đó.

Cam chanh, cam bù trĩu quả, người dân vui như hội

Chị Đào Thị Trang - vợ anh Đậu Quang Quân giữa vườn cam sum suê trái.

"Thời tiết khá thuận lợi nên năm nay gia đình tôi được mùa cam. Với hơn 3 ha cam chanh khoảng 1.000 gốc, dự kiến chúng tôi thu về hơn 30 tấn, thu nhập khoảng 650 - 700 triệu đồng, cao hơn 150 - 200 triệu đồng so với năm 2022" - anh Quân vui mừng cho biết.

Cách đó không xa, vườn cam 1.100 cây của ông Đậu Quang Huyến (64 tuổi, thôn Kim Lĩnh) cũng trĩu quả, dự kiến sản lượng đạt hơn 35 tấn. Theo ông Huyến, ngoài thời tiết thuận lợi, năm nay, gia đình đã tăng lượng phân chuồng, phân hữu cơ bón cho cây để cam phát triển tốt, năng suất cao hơn so với năm 2022, thu nhập ước đạt khoảng 1 tỷ đồng.

Cam chanh, cam bù trĩu quả, người dân vui như hội

Những vườn cam chanh trĩu quả ở Kim Hoa.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Hoa Phan Trọng Nam, năm nay, toàn xã có 700 ha trồng cam, chủ yếu là cam chanh ở các thôn: Tân Hoa, Kim Lĩnh, Kim Lộc, Minh Giang... Sản lượng cam ước đạt 6.753 tấn. Với giá bán bình quân tại vườn 20.000 đồng/kg, xã ước thu về trên 135 tỷ đồng, tăng từ 10 - 15% so với năm 2022.

Khác với Kim Hoa, diện tích trồng cam ở Sơn Trường chủ yếu là giống cam bù. Giống cam này sẽ cho thu hoạch từ khoảng giữa tháng 1/2024, đúng dịp phục vụ tết Nguyên đán. Mặc dù đang thời kỳ phát triển nhưng sản lượng ước tính khá cao, tăng từ 15 - 20% so với năm ngoái.

Ông Nguyễn Văn Thắng (SN 1958, trú thôn 9) cho biết: "Năm nay, gia đình tăng cường lượng phân bón vi sinh, đồng thời quan tâm chăm sóc, tỉa bỏ những quả nhỏ còi cọc. Tôi còn đầu tư “hệ thống tưới berg tự động” nên cây sinh trưởng đều, trĩu quả. Nếu giá bán ở khoảng 35 - 40.000 đồng/kg, năm nay, vườn cam mang lại nguồn thu từ 200 - 250 triệu đồng".

Cam chanh, cam bù trĩu quả, người dân vui như hội

Ông Nguyễn Văn Thắng đã đầu tư hệ thống tưới tự động để giảm công tưới và tăng năng suất cam.

Toàn xã Sơn Trường hiện có 700 hộ trồng cam, tập trung ở các thôn: 4, 5, 6, 7, 8, 9 với diện tích 400 ha (70% cam bù, còn lại là cam chanh). Theo chia sẻ của bà con nông dân, các vườn cam trên địa bàn xã năm nay đều rất sai quả, dự kiến sản lượng sẽ tăng cao trong vụ thu hoạch năm nay.

Cam chanh, cam bù trĩu quả, người dân vui như hội

Vườn cam bù cho năng suất cao của gia đình ông Nguyễn Văn Thắng.

Bà Trần Thị Nhâm - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Trường cho biết: "Năm nay, sản lượng cam tăng từ 15 - 20%, ngoài nhờ thời tiết thuận lợi thì quan trọng nhất là bà con đã đầu tư nhiều công sức chăm sóc, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến để cây phát triển tốt, tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao. Đặc biệt, năm nay có 9 hộ được đầu tư hệ thống tưới tự động trị giá 50 - 70 triệu đồng/hộ từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Vingroup (tập đoàn hỗ trợ 70%, người dân góp 30% vốn đối ứng) nên không chỉ năng suất mà chất lượng cũng được dự báo là sẽ tốt hơn".

Năm nay, dự kiến năng suất cả cam bù và cam chanh của huyện Hương Sơn sẽ cao nhất trong vài năm trở lại đây. Để giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, ngoài việc chỉ đạo các cấp hội nông dân lập nhóm zalo, facebook để quảng bá và tìm kiếm thị trường, Hội Nông dân huyện còn phối hợp với các tổ chức, kết nối với các doanh nghiệp, đại lý lớn trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thụ cho bà con nông dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” như các năm trước.

Ông Lê Đình Phước
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hương Sơn

Đọc thêm

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.
Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bình yên xã nông thôn mới bên sông Ngàn Phố

Bằng những việc làm cụ thể, cán bộ và Nhân dân xã Sơn Giang (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã, đang chung sức, đồng lòng “vẽ” nên bức tranh nông thôn mới đa sắc, kinh tế phát triển, làng quê bình yên...
Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh

Căn cứ theo các quy định, xét đề nghị của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh và Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND tỉnh quyết định giải thể Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh.