Đang nhanh tay làm cỏ cho các gốc cam, ông Nguyễn Văn Lộc (thôn Đồng Minh, xã Hương Minh) cho biết: “Năm nay, cam ra hoa đều và nhiều hơn năm ngoái nên gia đình rất vui. Tranh thủ những ngày tạnh ráo, gia đình tôi tập trung nhân lực để bón phân, làm cỏ cho hơn 1 ha cam. Thời kỳ cam ra hoa, việc làm cỏ, xới xáo đất quanh gốc là rất quan trọng, quyết định đến năng suất cuối vụ của cây; gần gốc thì xới nông, giữa các hàng thì xới sâu hơn để rễ phát triển. Đặc biệt, cây cam ưa ẩm và ít chịu hạn, lại đang trong thời kỳ ra hoa nên gia đình luôn chú ý theo dõi sự phát triển của cây”.
Tranh thủ những ngày tạnh ráo, gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (thôn Đồng Minh, xã Hương Minh) tập trung nhân lực để bón phân, làm cỏ cho hơn 1 ha cam.
Nhờ cách chăm sóc cẩn thận này mà những năm qua, vườn cam của gia đình ông Lộc luôn đạt năng suất cao. Vụ cam năm 2022, gia đình thu hoạch gần 7 tấn quả, thu về 150 triệu đồng. Cam được mùa, được giá nên ông Lộc rất phấn khởi.
Gia đình ông Lộc tận dụng phân chuồng để bón cho cam, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa góp phần cải thiện chất đất.
Chủ tịch UBND xã Hương Minh Đoàn Ngọc Lương cho biết: "Toàn xã hiện có gần 200 ha cam, mỗi năm, thu nhập từ cam đưa về cho người dân địa phương hàng chục tỷ đồng. Để cam đạt năng suất cao ở cuối vụ, ngay sau khi thu hoạch xong, người dân đã bắt tay vào chăm sóc, dưỡng cây. Đồng hành cùng bà con, địa phương đã chỉ đạo cán bộ nông nghiệp xuống từng thôn hướng dẫn các hộ chăm cam đúng kỹ thuật, nhất là ở thời kỳ ra hoa này. Giai đoạn này, chúng tôi đốc thúc bà con làm cỏ, bón gốc, bổ sung nguồn dinh dưỡng và phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại như: sâu đục thân, đục gốc, vàng lá, thối rễ, rệp...”.
Giai đoạn sau thu hoạch là thời điểm cam cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Do vậy, thời gian này, gia đình anh Trần Văn Danh ở thôn Bình Quang (xã Đức Liên) tập trung tỉa cành, làm cỏ bón phân, rắc vôi bột và sửa chữa hệ thống tưới tiêu để chuẩn bị chống hạn cho mùa nắng sắp tới.
Việc thăm vườn thường xuyên giúp anh Trần Văn Danh (thôn Bình Quang, xã Đức Liên) kịp thời phát hiện các loại sâu bệnh trên cam.
Anh Danh cho biết: “Năm nay, cam ra hoa nhiều hơn năm ngoái và đặc biệt là đúng thời vụ nên bà con chúng tôi rất yên tâm. Ai cũng tập trung chăm sóc với hy vọng một vụ mùa thắng lợi. Do vậy, thời điểm này, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các hộ trồng cây ăn quả ở Vũ Quang đang tranh thủ thời tiết chăm sóc các gốc cam”.
Gia đình anh Đặng Văn Tuân ở thôn Kiều (xã Thọ Điền) đang chăm sóc hơn 1 ha cây cam.
Theo kinh nghiệm của người trồng cam Vũ Quang, việc chăm sóc cam ở thời kỳ ra hoa theo đúng hướng dẫn kỹ thuật của ngành chuyên môn là rất cần thiết, giúp cho cam không bị sâu bệnh, cây bền khỏe và tỉ lệ đậu quả cao.
Anh Đặng Văn Tuân ở thôn Kiều (xã Thọ Điền) cho biết: “Nếu cam sau thu hoạch không được chăm sóc cẩn thận, dinh dưỡng không cân đối, đất thiếu hữu cơ sẽ dẫn đến tình trạng cây còi cọc, năng suất quả thấp và mẫu mã không đẹp. Do đó, để hạn chế sâu bệnh, gia đình đã bón phân cân đối và bấm tỉa cành hợp lý theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Vụ cam vừa qua, ở thời kỳ cam ra hoa, nhờ chăm sóc tốt nên vườn cam hơn 1 ha của gia đình cho năng suất cao, đạt hơn 7 tấn quả, thu về gần 200 triệu đồng”.
Cam ra hoa đúng thời vụ nên bà con Vũ Quang rất phấn khởi.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang Phan Xuân Nam cho biết: “Thời điểm này, cam đang ra hoa, đậu quả nên bà con nông dân tập trung chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Để giúp người dân có thêm kỹ thuật chăm sóc, nâng cao năng suất, đơn vị đã phân công cán bộ trực tiếp xuống các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện cách bón phân, kịp thời phát hiện sâu bệnh và có biện pháp phòng trừ hiệu quả cho gần 2.300 ha cam”.
Với thời tiết “ẩm ương” như hiện nay, người trồng cam cần thăm vườn, theo dõi cam thường xuyên để đảm bảo năng suất cuối vụ.
Ông Nam cũng cho biết, năm nay, cam ra hoa đúng thời vụ, đặc biệt tỉ lệ hoa cao hơn năm ngoái nên bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, với thời tiết “ẩm ương” như hiện nay, cây cam thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại như: sâu đục thân, rệp, bệnh thối gốc… Do đó, đơn vị khuyến cáo bà con thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học; khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật để đảm bảo năng suất cuối vụ.