Buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hà Tĩnh với huyện Cẩm Xuyên
Chiều 4/11, đoàn công tác của huyện Cẩm Xuyên tổ chức đi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp đô thị tại TP Hà Tĩnh. Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng và Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành cùng tham dự buổi làm việc. |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lê Quang Đức báo cáo kết quả phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hà Tĩnh
TP Hà Tĩnh hiện có tổng diện tích đất tự nhiên 5.655 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 2.660,6 ha (chiếm 39,31%). Với mục tiêu thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2021 đến nay, cả hệ thống chính trị TP Hà Tĩnh đã đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực cho phát triển nông nghiệp đô thị. Theo đó, TP Hà Tĩnh đã quy hoạch nông nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất; xây dựng các dự án mục tiêu, trọng tâm để tập trung hỗ trợ phát triển; bảo tồn và phát triển các làng nghề.
Hiện nay, TP Hà Tĩnh đã thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất 122,67 ha; trong đó, diện tích đất tích tụ 70,87 ha, diện tích đất phá bỏ bờ vùng, bờ thửa, sản xuất cánh đồng mẫu lớn 51,8 ha.
Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Nguyễn Trọng Hiếu: Sự vào cuộc và lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp là điều kiện tiên quyết quyết định đến thành công của các dự án phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố
Đẩy mạnh xây dựng các mô hình nông nghiệp trọng tâm, TP Hà Tĩnh đang triển khai các dự án có hiệu quả như: trồng cây dược liệu và bảo tồn sâm báo tại xã Đồng Môn; nhân giống, nuôi trai lấy ngọc theo chuỗi giá trị kết hợp du lịch sinh thái tại xã Đồng Môn; ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng và nhân các giống sen gắn với khai thác và phát triển sản phẩm từ sen, kết hợp du lịch sinh thái tại xã Đồng Môn và xã Thạch Hưng; nuôi ong lấy mật ở rừng sú vẹt sông Rào Cái tại các xã Đồng Môn, Thạch Hạ, Thạch Bình, Văn Yên; sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao tại xã Đồng Môn…
Về xây dựng thương hiệu sản phẩm và phát triển thị trường, TP Hà Tĩnh đã xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu trên cơ sở logo của địa phương, gắn với các câu chuyện lịch sử, văn hóa; từ đó đặt tên, xây dựng bao bì, nhãn mác…
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành: Những mô hình của thành phố không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần chỉnh trang đô thị. Đây là các mô hình rất mới, huyện Cẩm Xuyên mong muốn học tập để triển khai trên địa bàn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp và bày tỏ mong muốn bắt tay hợp tác để phát triển nông nghiệp. Một số kinh nghiệm được 2 địa phương cùng phân tích, trao đổi như: sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở là yếu tố quan trọng và then chốt trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là việc tích tụ, tập trung ruộng đất; việc lựa chọn, hỗ trợ, phát triển các nhân tố, chủ thể để dẫn dắt các hợp tác xã là yếu tố quyết định đến thành công của các mô hình, dự án; việc tổ chức sản xuất gắn với hình thành tổ chức kinh tế là yếu tố cốt lõi, xương sống của các mô hình, dự án.
Sau buổi làm việc, TP Hà Tĩnh và Cẩm Xuyên mong muốn bắt tay liên kết, hợp tác để cùng nhau xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái tuần hoàn, phát triển sản xuất gắn với dịch vụ du lịch xanh trong thời gian tới.
Trước đó, đoàn công tác huyện Cẩm Xuyên đã trực tiếp đến tham quan các mô hình nông nghiệp đã và đang triển khai của TP Hà Tĩnh:
Bí thư Thành ủy Hà Tĩnh Dương Tất Thắng trao đổi kinh nghiệm triển khai dự án sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao ở xã Thạch Hạ
Đoàn công tác của huyện Cẩm Xuyên tham quan mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn của HTX Hạ Vàng, xã Thạch Hạ...
... và tham quan mô hình sản xuất cây ăn quả công nghệ cao tại xã Đồng Môn.