Cán bộ xã Tượng Sơn (Thạch Hà) trao đổi thông tin về xây dựng nông thôn mới
Tư tưởng chưa thông
Nhiều năm nay, không ít “cựu trào” CBCC cấp xã đã than phiền thu nhập thấp, dù đã làm việc tại xã hàng chục năm. Thực tế này có thể thấy trong bảng lương của một số xã thuộc huyện Thạch Hà. Ông Trần Thanh Chương - Chủ tịch Hội CCB xã Thạch Liên (SN 1954) lương 2,8 triệu đồng/tháng; ông Trần Hữu Minh - Chủ tịch Hội CCB xã Thạch Xuân (SN 1957) hơn 3,8 triệu đồng/tháng; Ông Nguyễn Sỹ Viện - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạch Hội (SN 1963) trên 3,8 triệu đồng/tháng… Đây cũng là tình trạng chung của nhiều CBCC cấp xã trên toàn tỉnh.
Lương thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, nhiều CBCC chưa thật yên tâm công tác. Thậm chí, một số CBCC tỏ rõ sự khó chịu với lớp trẻ vì số này mới làm việc tại xã ít năm nay lương đã 5-6 triệu đồng/tháng (do tính theo bằng đại học).
Không chỉ một số CBCC làm việc lâu năm chưa “thông” tư tưởng mà ngay cả một số công chức mới được bổ nhiệm cũng thiếu mặn mà. Trường hợp Trưởng Công an xã Thiên Lộc (Can Lộc) Lê Anh Thắng cuối năm 2017 xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động là ví dụ.
Anh Thắng xin nghỉ vì lý do vừa làm nhà xong, đồng lương ít ỏi, không đủ trả nợ, nuôi con. Nên nhớ, anh Thắng chỉ mới được bổ nhiệm công chức đầu năm 2017, từ phó công an xã. Điều này cho thấy, anh Thắng chưa an tâm công tác đã đành (dù thay đổi công việc để cải thiện thu nhập là chính đáng) nhưng mặt khác, phải chăng, công tác cán bộ ở đây vẫn làm chưa nhuần nhuyễn, việc nắm bắt tâm tư của cán bộ, nhất là những “băn khoăn” về đời sống chưa tốt?
Cán bộ cấp xã nhiều người làm việc hàng chục năm tại xã nhưng thu nhập vẫn rất thấp
“Tiên trách kỷ”
“Nói về lương của CBCC thấp thì trước hết, phải nhìn trong mặt bằng vì lương CBCC ở tất cả các cấp đều thấp. Còn cấp xã, có người 3-4 triệu đồng/tháng, có người 8-9 triệu đồng/tháng là do bằng cấp và các khoản phụ cấp được hưởng” - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên Sở Nội vụ Nguyễn Văn Thảo cho hay.
Ông Thảo còn trao đổi: CBCC cấp xã hiện cũng được hưởng lương như CBCC cấp huyện, tỉnh vì lương tính theo bằng cấp. Ngoài chế độ tiền lương, CBCC cấp xã còn được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm nếu làm việc kiêm nhiệm; phụ cấp công vụ, chức vụ; có nơi được hưởng các chế độ đặc thù như vùng đặc biệt khó khăn…
Trên cơ sở các quyền lợi về thu nhập được hưởng, bên cạnh những CBCC xã thu nhập thấp, vẫn có những cán bộ thu nhập tương đối ổn. Bí thư Đảng ủy xã Thạch Xuân (Thạch Hà) Dương Anh Trúc có tổng thu nhập mỗi tháng trên 9,5 triệu đồng. Bảng lương cho thấy, ông Trúc làm cán bộ liên tục từ năm 1984, đồng thời đã được xếp lương bậc 8 dành cho bằng đại học.
Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Can Lộc Nguyễn Văn Thái cho hay: “Từ nguyên nhân cơ bản là bằng cấp đào tạo nên CBCC cấp xã có sự khác biệt về thu nhập. Toàn huyện có 192 CBCC cấp xã được xếp lương theo trình độ trung cấp; 235 CBCC xếp lương theo trình độ đại học”.
Trên quy mô toàn tỉnh, cán bộ cấp xã có trình độ cao đẳng 2,12%, trung cấp là 35,33%, sơ cấp 2,12%; công chức cấp xã có trình độ cao đẳng 3,93%, trung cấp là 39,12%, sơ cấp 0,08%. Ngoài ra, CBCC cấp xã vẫn có một bộ phận chưa qua đào tạo; một bộ phận khác dầu có trình độ đại học nhưng không được xếp lương theo bằng đại học do không có quyết định cử đi học của cấp trên (nên lương không cao).
Để cải thiện thu nhập, nhiều cán bộ xã đã tranh thủ thời gian mở trang trại phát triển kinh tế. Trong ảnh: Bí thư Đảng ủy xã Xuân Mỹ (Nghi Xuân) Lê Văn Bình (người ngoài cùng bên trái) hướng dẫn công nhân cắt tỉa cây trong vườn đồi mà ông đã khai phá, đầu tư hàng chục năm qua.
Chính sách ban hành chậm
Để giải quyết chính sách tiền lương cho CBCC cấp xã, Nhà nước đã ban hành các chính sách ưu việt nhất, tạo cơ chế để đội ngũ CBCC cấp xã được đào tạo nâng cao trình độ và được xếp lương theo trình độ đào tạo. Nhờ chính sách này nên số lượng CBCC cấp xã có trình độ đào tạo đại học chiếm khá lớn (cán bộ cấp xã có trình độ đại học chiếm 47,17%; công chức cấp xã có trình độ đại học 55,74%). Một bộ phận không đủ điều kiện để được đào tạo chuyên môn thì Nhà nước vẫn xếp lương theo bằng chính trị. Chính sách này được xem là sự cởi bỏ nhiều khó khăn kéo dài từ thời “dân bầu xã cử”.
Tuy vậy, theo chia sẻ của lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên Sở Nội vụ: Chính sách này là nhằm chuẩn hóa CBCC cấp xã. Tiếc rằng, việc chuẩn hóa chậm, phải đến năm 2010, khi Nghị định 92/NĐ-CP có hiệu lực, quy trình mới diễn ra. Khi đó, hàng loạt cán bộ xã đi học để có bằng. Dầu vậy, từ đó đến nay chỉ là 8 năm nên rất nhiều cán bộ xã thu nhập không cao. Đó là chưa nói, năm 2010, nhiều cán bộ xã vẫn chưa có bằng để xếp lương.
Lãnh đạo phòng này còn phân tích thêm: Trước đây, cán bộ xã được xếp lương theo chức vụ bầu cử chứ không theo bằng cấp, đồng thời, bậc lương cũng tính theo nhiệm kỳ (5 năm nâng 1 bậc); không như hiện nay, cách tính lương giống như cấp huyện, tỉnh. Nhiều cán bộ cấp xã khi không được giữ các chức danh bầu cử (để xếp lương) sẽ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH, dẫn đến thiệt thòi quyền lợi.
(Còn nữa)