Tuần trước, Bộ Y tế Liên bang Nga cho biết đã cấp giấy chứng nhận đăng ký số LP-006395 cho vaccine phòng ngừa Covid-19 Gam-COVID-Vac, do Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật mang tên Viện sỹ N.F. Gamaley trực thuộc Bộ Y tế Nga phát triển với sự hỗ trợ của Bộ Quốc phòng Nga và Quỹ Đầu tư Trực tiếp (RDIF).
Nga tuyên bố đã sản xuất những lô vaccine Covid-19 đầu tiên tại nhà máy của tập đoàn AFK Sistema. Theo tập đoàn này, nhà máy Binnopharm có thể sản xuất khoảng 1,5 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi năm.
Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev tiết lộ nước này đã nhận đề nghị cung cấp tổng cộng 1 tỷ liều vaccine Covid-19 từ hơn 20 quốc gia.
Bộ Y tế Nga cho biết vaccine Covid-19 đầu tiên trên thế giới, được đặt tên là Sputnik V, đã trải qua tất cả kiểm tra cần thiết và chứng minh có thể xây dựng miễn dịch chống lại virus corona chủng mới gây bệnh Covid-19.
Theo ông Aleksander Gintsburg - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya, việc tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 ở Nga sẽ bắt đầu trong khoảng một tháng sau khi có đủ số lượng vaccine cần thiết.
Số liệu mới nhất cho thấy số ca tử vong do Covid-19 trên toàn cầu đã đạt gần 800.000 người, với số ca mắc trên toàn thế giới vượt quá 22,8 triệu người.
Vaccine Sputnik V của Nga được cho là cho phép con người hình thành khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 trong ít nhất hai năm.
Tuy nhiên, ông Aleksander Gintsburg lưu ý vaccine Sputnik V sẽ không được lưu hành rộng rãi trước tháng 1/2021 vì phải mất 4-5 tháng để theo dõi thêm hiệu quả cũng như phản ứng phụ có thể xảy ra.
Đại diện RDIF, trong cuộc họp báo trực tuyến tối 20/8, cho biết thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine Sputnik V đã được tiến hành trên 2.000 người tại Nga từ ngày 12/8, một ngày sau khi vaccine Sputnik V được Bộ Y tế Nga cấp phép.
Vaccine Sputnik V có hai thành phần được tiêm riêng, trong đó lần tiêm thứ hai phải được thực hiện 3 tuần sau lần tiêm đầu.
Hai liều của vaccine Sputnik V.
Theo dữ liệu dự thảo do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố tuần qua, hiện có 29 loại vaccine trên thế giới đang được đánh giá lâm sàng.