ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Hương Khê về chuyên đề giáo dục.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri đã tập trung góp ý dự thảo nội dung Đề án phát triển hệ thống giáo dục mầm non và phổ thông Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo.
Các cử tri đều cho rằng, đề án cần thực hiện được các nội dung của Nghị quyết Trung ương về thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục cũng như Nghị quyết đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Cử tri Phan Trọng Hùng - Trường THCS Chu Văn An: Khi tự chủ, để đáp ứng yêu cầu dạy học buộc phải huy động nguồn thu lớn từ phụ huynh học sinh, khiến việc đóng nộp gặp nhiều khó khăn.
Để triển khai hiệu quả các nội dung sáp nhập trường lớp của đề án, theo cử tri, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về cơ sở vật chất trước khi sáp nhập. Khi các trường tự chủ, kinh phí đóng nộp của các em học sinh sẽ tăng lên. Trong điều kiện người dân còn nhiều khó khăn, nhất là tại vùng miền núi như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn thì việc tự chủ ảnh hướng lớn đến việc đến trường học tập của con em.
Cử tri Nguyễn Văn Phương - Trường tiểu học Hương Trạch: Việc sáp nhập trường lớp cần có lộ trình cụ thể và chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất trước khi triển khai.
Ngoài ra, cử tri Hương Khê cũng đề nghị đề án cần có các hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn công tác xã hội hóa trong giáo dục, nhất là vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; linh hoạt, mềm dẻo hơn trong tinh giản biên chế, tăng thêm chế độ phụ cấp và đóng bảo hiểm xã hội cho cô nuôi ở các trường mầm non...
Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn thông tin thêm về phiên chất vấn tại kỳ họp Quốc hội vừa qua của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.
Trước các ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết của cử tri ngành giáo dục Hương Khê, các ĐBQH và HĐND tỉnh đã nghiêm túc tiếp thu và khẳng định sẽ tổng hợp, phản ánh lên HĐND tỉnh và UBND tỉnh để xem xét, nghiên cứu hoàn thiện đề án, phù hợp với thực tiễn của địa phương.