Cần nâng cao văn hóa ứng xử tại các khu di tích ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Mùa lễ hội năm nay, hầu hết các khu di tích lịch sử, văn hóa, di tích thắng cảnh trên địa bàn Hà Tĩnh đều đón lượng lớn người dân thập phương đến tham quan, vãn cảnh, cúng bái.

Phần lớn người dân đến các di tích với một tâm thế tìm về giá trị lịch sử, truyền thống, thực hành các nghi thức tín ngưỡng tâm linh.

Việc người dân đi lễ chùa, đền góp phần giữ gìn những nét văn hóa tốt đẹp của cha ông, phát huy giá trị của các khu di tích. Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ai đến với di tích đều có cách ứng xử văn hóa, phù hợp thuần phong mỹ tục. Điều phản cảm dễ nhận thấy nhất trong những ngày gần đây là việc người dân thắp hương, đốt quá nhiều vàng mã khi đi cúng bái tại các đền, chùa, miếu.

Cần nâng cao văn hóa ứng xử tại các khu di tích ở Hà Tĩnh

Nhiều người dân vẫn còn thắp hương, đốt vàng mã quá nhiều tại các điểm thờ tự tâm linh.

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người thi nhau “đốt của” cho người ở thế giới bên kia mà không quan tâm đến sự lãng phí tiền bạc và những quy định về vệ sinh môi trường, an toàn cháy nổ. Càng phản cảm hơn khi ở một số khu di tích, người dân còn thi nhau nhét tiền vào tượng Phật, ban thờ. Những việc làm đó chẳng khác nào “hối lộ” thần linh.

Di tích là chốn trang nghiêm. Trang phục, hành vi khi đến với các khu di tích cũng là điều đáng bàn. Trong khi nhiều người đặc biệt lưu ý, lựa chọn trang phục phù hợp khi đến những chốn tôn nghiêm thì cũng có người lại chưa để ý đến vấn đề này. Chính vì vậy, tại nhiều khu di tích, người ta vẫn bắt gặp những hình ảnh không đẹp khi có những người ăn mặc chưa phù hợp vẫn đến tham quan, hành lễ. Thậm chí, có cá nhân, tổ chức đã lựa chọn cảnh quan ở một số di tích để thực hiện một số hoạt động nghệ thuật với trang phục không phù hợp, gây nên sự phản cảm trong dư luận xã hội.

Cần nâng cao văn hóa ứng xử tại các khu di tích ở Hà Tĩnh

Du xuân cũng là mùa lễ hội, đông đảo người dân sẽ tìm về với các khu di tích trên địa bàn. Ảnh Thiên Vỹ.

Một khía cạnh cũng thể hiện văn hóa ứng xử của con người với di tích là sự hiểu biết đối với từng di tích. Không ít người khi đến tham quan di tích thắng cảnh, lịch sử; thắp hương khấn vái tại các địa điểm văn hóa tâm linh nhưng không biết di tích được xây dựng thời gian nào, thờ tự những ai, ý nghĩa văn hóa như thế nào... Và không ít trong số đó đi “theo phong trào”. Hút thuốc lá, xả rác bừa bãi, hái hoa, bẻ cành; viết vẽ, ký tên lên các hiện vật tại di tích để “lưu danh muôn thuở”... là những hành vi khó có thể chấp nhận.

Cần nâng cao văn hóa ứng xử tại các khu di tích ở Hà Tĩnh

Người dân đến các điểm di tích bằng tâm thế tìm về với lịch sử, văn hoá truyền thống nên rất cần nâng cao ý thức thực hiện các quy định về vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, đảm bảo thuần phong mỹ tục.

Khai thác các khu di tích phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng và phát triển du lịch là hết sức cần thiết, tuy nhiên, chính quyền địa phương, ban quản lý các di tích cần có những quy định nghiêm ngặt hơn nữa để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích. Du khách đến với di tích xin hãy tự dặn mình rằng “đừng mang gì đi, ngoài những tấm hình. Đừng để lại gì, ngoài những dấu chân”.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Lễ hội

Đọc thêm

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Người thầy dành trọn tình yêu thương cho học trò

Hơn 17 năm gắn bó với sự nghiệp “trồng người”, thầy Trần Xuân Thắng (Trường THPT Cẩm Bình, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, chắp cánh cho các em bước tới tương lai.
“Cùng con học bài”

“Cùng con học bài”

Phong trào “Cùng con học bài” do Hội LHPN huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) triển khai không chỉ nhằm truyền đạt kiến thức mà còn là cơ hội để bố mẹ gắn kết hơn với con cái.