Hố bom và bia tưởng niệm 16 học sinh tử nạn tại Di tích Chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng.
Năm 2009, Di tích Chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng (nay thuộc thôn Trửa, xã Việt Tiến) được xây dựng với diện tích khuôn viên 800m2, là nơi tưởng niệm 16 học sinh tử nạn do bom Mỹ sát hại năm 1968.
Đến năm 2015, di tích được UBND tỉnh cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Đầu tháng 1/2022, Hội Cựu học sinh Trường cấp 3 Lý Tự Trọng đã đóng góp nguồn kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà tưởng niệm trong khuôn viên di tích để đặt bàn thờ, bài vị các học sinh tử nạn.
Lễ khánh thành nhà tưởng niệm tại Khu di tích Chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng ngày 19/8/2022.
Ngoài nhà tưởng niệm vừa được xây mới, những công trình khác tại khuôn viên di tích cũng đã được địa phương đầu tư nâng cấp, tu bổ như: nhà bia, hàng rào, sân vườn… Được biết, từ năm 2020 đến nay, tổng kinh phí trùng tu cho di tích này khoảng hơn 2 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước 550 triệu đồng, số còn lại từ nguồn địa phương và xã hội hóa.
Chủ tịch UBND xã Việt Tiến Nguyễn Văn Hướng cho biết: "Công trình Nhà tưởng niệm Di tích Chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng cũng như toàn bộ di tích đã được địa phương tiến hành nâng cấp, tu bổ toàn bộ. Chúng tôi mong muốn nơi đây sẽ trở thành địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ mai sau”.
Di tích đình làng Tương Nịu (thôn Trung Tiến) được trùng tu với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng.
Thôn Tương Nịu xưa (nay thuộc thôn Trung Tiến) trước đây có đầy đủ thiết chế văn hóa như đình, chùa, miếu với tuổi đời trên 550 năm. Ngoài ra, trong làng còn có giếng đình, nhiều cây đa cổ thụ và 5 bến sông được xây cất bằng đá.
Tuy nhiên, do những thăng trầm của lịch sử mà hiện nay, nhiều công trình của làng đã bị hư hỏng, phần lớn không thể khôi phục. Để bảo tồn di tích đình làng Tương Nịu, chính quyền và Nhân dân thôn Trung Tiến đã chú trọng việc đầu tư, tôn tạo di tích này.
Nhân dân và con em xa quê cùng góp tiền của, xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ những tư liệu, vật dụng xưa.
Bà Võ Thị Minh Chước - Bí thư Chi bộ thôn Trung Tiến cho hay: Để giữ lại những giá trị lịch sử của làng Tương Nịu xưa, chúng tôi cùng Nhân dân đã cất công dành nhiều thời gian để sưu tầm tư liệu biên soạn lịch sử của làng. Đồng thời, con em xa quê và người dân cũng đã chung tay đóng góp tiền của, công sửa để hỗ trợ kinh phí tôn tạo lại các di tích.
“Ngoài ra, một số công trình như đền thờ thành hoàng làng, khu tưởng niệm 23 liệt sỹ, nhà truyền thống, đình làng cũ hiện đã được các đoàn thể, Nhân dân trong thôn trùng tu, xây dựng. Dù làm mới các di tích nhưng địa phương vẫn ưu tiên giữ hồn cốt, nét đẹp cổ xưa của làng”, bà Chước cho biết thêm.
Nhà thờ Lý Tự Trọng (thôn Tân Long) dự kiến được UBND xã Việt Tiến khởi công tu bổ vào tháng 10 năm nay, với kinh phí khoảng hơn 1,5 tỷ đồng.
Với mỗi người con Việt Tiến, mỗi một di tích đều gắn với biết bao ký ức, sự phát triển của quê hương, để rồi họ luôn ý thức cùng nhau đóng góp ngày công, tiền của để tôn tạo những di tích ấy. Vì thế, trên tiến trình xây dựng NTM, địa phương luôn quan tâm tôn tạo, gìn giữ những di tích để vừa bảo tồn văn hóa quê hương, vừa làm động lực xây dựng quê nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Ông Lê Hữu Tiến (75 tuổi, thôn Tân Long) chia sẻ: “Với những thế hệ đi trước như chúng tôi, các di tích lịch sử như những tư liệu quý giá, là những bài học về tình yêu nước, sự hy sinh. Nhìn thấy những di tích được Nhân dân và chính quyền cùng đóng góp kinh phí để tôn tạo, góp công sức để gìn giữ, tôi thấy rất tự hào. Việc lưu giữ những di tích là điều rất cần thiết, góp phần bồi đắp thêm lòng yêu nước và tình yêu quê hương cho các thế hệ mai sau”.
Trong tâm thức người dân Việt Tiến, mỗi một di tích đều gắn với biết bao thăng trầm lịch sử của quê hương.
Theo UBND xã Việt Tiến, toàn xã hiện có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia (nhà cụ Mai Kính, đền Nen, khu mộ Lý Tự Trọng) và 10 di tích cấp tỉnh (nhà thờ họ Nguyễn Đăng, nhà thờ Nguyễn Sỹ Quý, nhà thờ Lý Tự Trọng, đền Giáp Hữu, nhà thờ Đặng Hữu Cá, nhà thờ Trương Đức Sùng; đình Tương Nịu; đền Làng Nguộn; Hậu Miếu và Di tích Chứng tích tội ác chiến tranh Trường cấp III Lý Tự Trọng).
Từ năm 2020 đến nay, với sự kêu gọi của chính quyền cùng sự đóng góp của Nhân dân và con em xa quê, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn đã được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng. Bên cạnh việc tu bổ, tôn tạo những di tích được Nhà nước xếp hạng, các di tích chưa được xếp hạng cũng được địa phương quan tâm tu bổ bằng nguồn xã hội hóa.
Chính quyền địa phương và Nhân dân luôn nỗ lực gìn giữ, bảo vệ những tài sản vô giá mà các thế hệ cha ông đã để lại qua nhiều thế kỷ. Việc đóng góp nhân lực, vật lực của Nhân dân cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã góp phần đảm bảo độ bền vững, giữ được giá trị của di tích mãi trường tồn với thời gian. Từ đó, tạo động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Việt Tiến Nguyễn Văn Hướng