Đê bao của các ao hồ nuôi trồng thủy sản bỏ hoang (phía xã Phù Lưu) nằm ngay giữa cống Cầu Trù, khiến dòng chảy bị lệch.
Ông Nguyễn Đức Quang - Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết: “Vào mùa mưa lụt, lưu lượng nước trên sông Én chảy qua cống Cầu Trù (giáp ranh giữa xã Phù Lưu với xã Ích Hậu) rất lớn, dòng chảy mạnh và xoáy.
Nhưng khoảng gần 1 km phía sau cống này đang có nhiều bờ đê bao của các ao hồ nuôi trồng thủy sản nằm án ngữ lòng sông khiến dòng chảy bị cản trở, gây xói lở bờ đê, tiêu thoát lũ chậm. Đặc biệt, nếu có các trận lụt lớn như năm 2020 thì tình hình sẽ trở nên phức tạp và nguy hiểm, nếu không nạo vét, khơi thông”.
Cách cống Cầu Trù khoảng 800m, các bờ ao phía xã Ích Hậu được đắp lấn ra sông (bên trái)
Cũng theo ông Nguyễn Đức Quang, cách đây khoảng 30 năm ở khu vực này có 5 hộ dân xã Phù Lưu ra sông đắp ao nuôi trồng thủy sản mặn lợ tự phát với tổng diện tích khoảng 3 ha. Sau đó, vì xây bara Đò Điểm (năm 2008) ngăn dòng nước mặn nên các hộ dần bỏ hoang và hiện không còn ai sản xuất.
Tuy nhiên, các bờ đê bao cũ của hệ thống ao hồ này đang gây cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến việc thoát lũ nên chính quyền địa phương đã soát xét để đề nghị huyện có phương án xóa bỏ, nạo vét lòng sông.
Dòng sông ngay sau cống Cầu Trù rộng khoảng 150m nhưng bị lấn chiếm, cản trở nên dòng chảy chính bị thu hẹp còn khoảng 40-45m.
Ở phía đối diện bờ sông xã Phù Lưu là ao hồ và tài sản của 6 hộ dân ở xã Ích Hậu. Hiện nay, gần 9 ha đất mặt nước ở khu vực này của người dân Ích Hậu đều bị bỏ hoang, 1 hộ xây dựng nhà hàng nhưng không hiệu quả nên đã tháo dỡ. Dù không sản xuất, kinh doanh nhưng ở đây vẫn còn nhiều đoạn đê bao, cột trụ móng nhà, cây cối, đường dây điện... ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ, hành lang đê điều và mỹ quan xung quanh.
Thực trạng và hệ lụy là thấy rõ nhưng việc xóa bỏ ao hồ và các công trình này để khơi thông dòng chảy đang gặp vướng mắc, khó khăn.
Ao hồ bỏ hoang phía xã Phù Lưu khiến dòng chảy bị hạn chế.
Ông Đặng Ngọc Anh – công chức địa chính xã Ích Hậu cho hay: “Việc giải phóng các công trình, ao hồ thuộc phạm vi hành lang đê điều ở hạ lưu cống Cầu Trù là việc nên phải làm sớm. Chúng tôi đã tổ chức họp dân, kiểm tra thực địa, xác minh hồ sơ tài liệu và tất cả các vấn đề khác có liên quan báo cáo lên UBND huyện, các phòng chuyên môn để xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay là bà con yêu cầu được hỗ trợ một phần kinh phí khi phá hủy, dọn dẹp tài sản nhưng xã không có nguồn. Địa phương cũng đã đề xuất lên huyện xin kinh phí nhưng chưa được chấp thuận”.
Đê bao cũ, cột móng nhà, đường điện... phía bờ đê xã Ích Hậu đang ảnh hưởng việc thoát lũ và mỹ quan trên sông.
Ông Phan Tiến Dũng – Trưởng phòng TN&TM huyện Lộc Hà thông tin: “Dòng chảy qua Cầu Trù bị lấn chiếm khiến dòng sông bồi lấp, ách tắc đã xảy ra từ lâu, đã được cử tri nhiều lần phản ảnh. Để khắc phục, UBND huyện cũng đã có Văn bản số 1739/UBND-NN ngày 21/9/2021 về việc xử lý vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn, trong đó tập trung xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm ở khu vực này. Hiện UBND huyện đang đề nghị Thường trực Huyện ủy và HĐND huyện Lộc Hà thống nhất chủ trương cho lập dự án nạo vét, chỉnh trang”.
“Nếu ở xã Phù Lưu các vấn đề đã cơ bản thông suốt thì ở xã Ích Hậu chúng tôi đang chỉ đạo địa phương tập trung tuyên truyền, vận động bà con hợp tác. Vì đây là những diện tích xã cho thuê trái thẩm quyền ở khu vực không được phép nên không thuộc diện được đền bù, hỗ trợ khi tiến hành nạo vét”, ông Phan Tiến Dũng cho biết thêm.
Những bờ đê bao cũ đang xuống cấp, cỏ mọc um tùm gây cản trở trong thoát lũ
Hạ lưu cống Cầu Trù có vai trò rất quan trọng trong việc tiêu thoát lũ trên sông Én và góp phần bảo vệ tài sản, mùa màng, đồng ruộng và các công trình thủy lợi khác ở các xã: Phù Lưu, Ích Hậu, Tân Lộc, Hồng Lộc, Bình An (Lộc Hà), nhất là trong bối cảnh thiên tai đang ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường.
Tình trạng các công trình cũ, ao hồ bỏ hoang gây ảnh hưởng đến dòng chảy, làm xói mòn chân đê, bồi lấp lòng sông, làm chậm tốc độ thoát lũ... là vấn đề đang được nhiều người quan tâm. Mong rằng, các cấp, ngành, địa phương ở Lộc Hà cần vào cuộc hiệu quả để xử lý sớm.