Một nghiên cứu cho thấy, có gần 70% người bệnh không biết mình bị tăng huyết áp cho đến khi đột ngột bị tai biến mạch não, liệt, hôn mê.
Trong thời tiết lạnh, giao mùa thu đông như hiện nay dễ làm co mạch khiến huyết áp tăng vọt, gây ra tai biến. Nhất là với người già, khi ra khỏi chăn ấm là lúc dễ bị nhiễm lạnh, sau đó đi vệ sinh lại thêm một lần mất nhiệt, cơ thể lạnh hơn nữa khiến cho mạch co, huyết áp tăng đột ngột. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến các biến cố như vỡ mạch máu não, đau thắt ngực.
GS.TS Nguyễn Văn Thông.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ như cholesterol cao, tăng huyết áp, stress, đái tháo đường, những tác nhân của cuộc sống hiện đại đã góp phần làm gia tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ. Điều đáng sợ là triệu chứng đột quỵ ở những người ở độ tuổi 20 có thể hơi khác so với người lớn tuổi nên người nhà thường chủ quan không đưa đi cấp cứu sớm.
Theo các bác sĩ, những biểu hiện thường gặp ở người đột quỵ là méo miệng, tê bì, yếu liệt chân tay, nói khó… Do đó, khi thấy một người các dấu hiệu như trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
“Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, chính vì vậy, phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời, tận dụng "thời gian vàng" của não, tránh đột quỵ não gây di chứng nặng nề”- GS. Thông đặc biệt nhấn mạnh.
Điều trị khép kín, giảm tỉ lệ tử vong, tàn phế
Các chuyên gia cho biết, số bệnh nhân đột quỵ ngày càng tăng cao, ước tính mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Trong đó, hơn 50% trong số đó tử vong và 90% số người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh và vận động.
Các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ.
Tại Trung tâm Đột quỵ, BVĐK tỉnh Phú Thọ thời gian gần đây tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân đột quỵ đến cấp cứu. Đáng chú ý, theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Văn Thông, do đây là một trong ít trung tâm của cả nước hoạt động theo một quy trình khép kín hoàn chỉnh đạt chuẩn quốc tế với 3 đơn vị: Cấp cứu và Điều trị tích cực thần kinh - Đột quỵ, Điều trị thần kinh - Đột quỵ bán cấp, Phục hồi chức năng thần kinh - Đột quỵ nên đã giúp cứu sống và phục hồi rất nhanh chóng cho bệnh nhân đột quỵ.
“Tỉ lệ chuyển tuyến bệnh nhân đột quỵ tại đây gần như bằng không. Trong khi đó, bệnh nhân đột quỵ nếu phải chuyển tuyến cấp cứu ở xa có thể mất “giờ vàng” trong điều trị (3-4 giờ đầu), đây là khoảng thời gian cần thiết để tiến hành các biện pháp can thiệp giữ mạng sống cho người bệnh và tránh các di chứng về sau. Theo thống kê, hiện chỉ có 5-6% bệnh nhân đột quỵ đến các bệnh viện trong “giờ vàng”, tỉ lệ tử vong chiếm 30-50%. Đây là điều hết sức đáng tiếc…”- GS. Thông nói.
Hướng dẫn tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Trung tâm Đột quỵ.
Để phòng bệnh đột quỵ, GS.TS Nguyễn Văn Thông khuyến cáo, người dân cần tích cực vận động cơ thể và tập thể dục thường xuyên (30 phút mỗi ngày); giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì; hạn chế rượu, bia; tránh hút thuốc lá.
Trong mùa đông, để phòng tránh đột quỵ (nhất là ở người già), không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 -5 phút để cơ thể dần thích nghi. Cần điều trị tốt bệnh tăng huyết áp, phòng và điều trị đái tháo đường, khắc phục tình trạng tăng cholesterol.
Khi gặp người đột quỵ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống hoặc xoa bóp, cạo gió, chích đầu ngón tay… làm mất “thời gian vàng” điều trị.