Xếp dỡ container hàng hóa tại một cảng biển ở Tokyo, Nhật Bản.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 9/5 cảnh báo rằng triển vọng kinh tế của khu vực châu Á đang đối mặt mức độ bấp bênh lớn và nhiều rủi ro suy giảm tăng trưởng, do nguy cơ thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu và khả năng nổi lên của các chính sách thương mại theo trường phái bảo hộ.
Hãng tin Reuters cho hay, IMF nói rằng chính sách tiền tệ và tài khóa lỏng lẻo ở hầu hết các nước châu Á sẽ hỗ trợ nhu cầu nội địa. “Tuy nhiên, triển vọng trong ngắn hạn đang bị che phủ bởi sự bấp bênh lớn và những rủi ro suy giảm tăng trưởng”, báo cáo triển vọng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương công bố ngày 9/5 có đoạn viết.
Tháng 4 vừa qua, IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2017 lên mức 5,5%, từ mức 5,4% đưa ra trong tháng 10. Ngoài ra, IMF giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực năm 2018 ở 5,4%. Mặc dù vậy, đánh giá mới nhất từ định chế này tiếp tục cho thấy một quan điểm thận trọng.
Năm 2016, nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt mức tăng 5,3%.
Báo cáo trên được IMF đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách trên toàn cầu đang đối mặt với thách thức làm thế nào để vượt qua những nguy cơ gia tăng về chủ nghĩa bảo hộ dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như khả năng lãi suất vay vốn tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đẩy nhanh việc tăng lãi suất.
Tình trạng thắt chặt kéo dài của các điều kiện tài chính toàn cầu có thể dẫn tới sự biến động mạnh của các dòng vốn, và châu Á-Thái Bình Dương có thể chịu tác động lan tỏa mạnh mẽ nếu nỗ lực dịch chuyển nền kinh tế theo hướng tiêu dùng của Trung Quốc gặp nhiều trở ngại hơn dự báo - IMF nhận định.
“Khả năng xảy ra một sự dịch chuyển theo hướng hủ nghĩa bảo hộ ở các nước đối tác thương mại lớn cũng đặt ra một rủi ro lớn đối với khu vực. Châu Á đặc biệt dễ chịu tổn thương trước sự giảm sút của thương mại toàn cầu bởi khu vực có một độ mở cao về thương mại, với sự tham gia lớn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu”, báo cáo viết.
IMF khuyến cáo rằng tỷ giá linh hoạt nên tiếp tục giữ vai trò công cụ chính để hấp thụ các cú sốc nếu xảy ra sự thắt chặt đột ngột các điều kiện tài chính toàn cầu hoặc một sự dịch chuyển về hướng chủ nghĩa bảo hộ.Tuy nhiên, định chế này nói thêm rằng việc can thiệp có tính toán vào thị trường ngoại hối có thể được áp dụng trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn khi các điều kiện thị trường rối loạn hay biến động mạnh tỷ giá hối đoái đe dọa sự ổn định tài chính và kinh doanh.
IMF nhấn mạnh rằng can thiệp vào thị trường ngoại hối không nên được sử dụng để chống lại những biến động tỷ giá phản ánh những thay đổi căn bản, bao gồm môi trường thương mại toàn cầu, hoặc để thay thế cho những điều chỉnh chính sách vĩ mô cần thiết.
Dân số lão hóa và tốc độ tăng năng suất chậm lại kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là những trở ngại trong trung hạn đối với tăng trưởng kinh tế khu vực, theo IMF. Báo cáo nói thêm rằng một số nước châu Á có nguy cơ “già trước khi giàu”.
“Thích nghi với dân số lão hóa có thể sẽ là một thách thức lớn đối với châu Á, bởi dân số sống với mức thu nhập bình quân đầu người tương đối thấp ở nhiều phần của châu Á đang già đi nhanh chóng”, báo cáo có đoạn viết.
Các chuyên gia của IMF cho rằng chính sách tiền tệ nói chung nên duy trì nới lỏng ở khu vực này, bởi lạm phát đang ở dưới mục tiêu và nhu cầu đang ở mức yếu tại phần lớn các nền kinh tế châu Á.
Nếu tăng trưởng tiếp tục yếu đi, một số ngân hàng trung ương trong khu vực như Malaysia và Thái Lan có thể có dư địa để cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, IMF khuyến cáo một số nước như Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam nên sẵn sàng cho việc tăng lãi suất nếu áp lực lạm phát gia tăng.