Cảnh báo gia tăng bệnh nhân đột quỵ và khuyến cáo của bác sỹ Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ giảm thấp nên trong thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (BVĐK tỉnh) tiếp nhận khá đông bệnh nhân bị đột quỵ vào cấp cứu, điều trị.

Ngày 2/1/2023, bệnh nhân M.X.M (63 tuổi, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) vào BVĐK tỉnh trong tình trạng nói khó, yếu tay, chân bên trái bị liệt. Sau khi thăm khám, các bác sỹ Khoa Cấp cứu - Chống độc đã chẩn đoán bệnh nhân bị nhồi máu não trên nền tăng huyết áp. Được biết, bệnh nhân M. từng có tiền sử bị tai biến cách đây 4 năm về trước trên nền tăng huyết áp.

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân đột quỵ và khuyến cáo của bác sỹ Hà Tĩnh

Thời gian gần đây, BVĐK tỉnh gia tăng số bệnh nhân bị đột quỵ.

Với bệnh nhân P.X.H (33 tuổi, thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà), đang trong lúc làm việc thì đột nhiên nhức đầu dữ dội, bủn rủn chân tay và ngã khuỵu xuống. Bệnh nhân được đưa lên BVĐK tỉnh để cấp cứu. Qua thăm khám, các bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến.

Đây là 2 trong nhiều trường hợp bị đột quỵ phải nhập viện cấp cứu trong những ngày gần đây. Thống kê từ BVĐK tỉnh, trong thời điểm nhiệt độ giảm sâu, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận từ 15 - 20 ca bị đột quỵ vào cấp cứu và điều trị, cao gấp đôi so với những ngày thường.

Bác sỹ CKI Nguyễn Sỹ Trình - Phó Trưởng Khoa Cấp cứu - Chống độc (BVĐK tỉnh) cho biết: “Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dẫn tới cơ thể không kịp thích nghi khiến mạch máu bị co hẹp lại trong lòng mạch, huyết áp tăng cao, lưu lượng máu đến não bị giảm so với thông thường và xảy ra tình trạng đột quỵ. Thứ nữa, nhiệt độ giảm sâu vào mùa đông làm cho độ nhớt máu tăng, máu dễ bị đông đặc tạo ra huyết khối, mạch tắc cứng khiến cho lượng máu đến não ứ đọng lại, để lâu dần sẽ bị đột quỵ nếu không được phát hiện kịp thời. Ngoài ra, thói quen ăn uống đồ không phù hợp vào mùa lạnh và ít vận động, uống rượu, bia thường xuyên vào mùa đông làm cho lượng cồn tồn đọng trong máu quá lâu gây ra huyết áp cao, lưu lượng máu tăng cao và độ kết dính của máu giảm, nguy cơ đột quỵ do xuất huyết não cũng tăng theo”.

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân đột quỵ và khuyến cáo của bác sỹ Hà Tĩnh

BVĐK tỉnh từng bước làm chủ kỹ thuật chụp mạch máu não bằng hệ thống DSA để điều trị hiệu quả các ca bệnh đột quỵ.

Qua tìm hiểu thực tế, những người cao tuổi (từ 50 tuổi trở lên), người có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì là đối tượng có nguy cơ cao dễ bị đột quỵ.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, đột quỵ để lại hậu quả rất nặng nề. Các biến chứng liên quan đến tim, viêm phổi, nghẽn tĩnh mạch, sốt, đau, khó nuốt, co cứng chi, trầm cảm... Các biến chứng của đột quỵ khiến bệnh nhân bị ảnh hưởng về sức khỏe, tâm lý, có thể dẫn đến khuyết tật tạm thời hoặc khuyết tật vĩnh viễn, để lại gánh nặng cho người thân, gia đình.

Để cấp cứu, điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân bị đột quỵ, thời gian qua, BVĐK tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu.

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân đột quỵ và khuyến cáo của bác sỹ Hà Tĩnh

Đột quỵ để lại nhiều di chứng nặng nề đòi hỏi quá trình phục hồi chức năng.

“Khi bệnh nhân bị nhồi máu não, nếu phát hiện và đến cơ sở y tế trước 4 - 5h (khoảng thời gian vàng là trước 3h) thì sẽ sử dụng hiệu quả kỹ thuật tiêu sợi huyết. Đến nay, BVĐK tỉnh đã bắt đầu triển khai kỹ thuật chụp mạch não và lấy huyết khối đối với những mạch lớn, thực hiện hiệu quả mở sọ giảm áp. Đối với bệnh nhân bị xuất huyết não, bệnh viện thực hiện có hiệu quả kỹ thuật mổ sọ lấy máu tụ và dẫn lưu não thất. Đây là những bước tiến rất lớn của BVĐK tỉnh trong cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ trong thời gian qua” - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc Nguyễn Sỹ Trình cho biết.

Cảnh báo gia tăng bệnh nhân đột quỵ và khuyến cáo của bác sỹ Hà Tĩnh

Bác sỹ CKI Nguyễn Sỹ Trình - Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Chống độc hướng dẫn người nhà chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ.

Theo khuyến cáo ngành y tế, để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ bị đột quỵ, mỗi người dân cần thực hiện lối sống lành mạnh như: không hút thuốc lá, không uống rượu, bia; tăng cường vận động thể dục - thể thao; giữ cân bằng trong cuộc sống và công việc nhằm tránh căng thẳng tâm lý; thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tối thiểu mỗi năm 1 lần…

Những người từng có tiền sử bị đột quỵ cần dùng thuốc kiểm soát tốt huyết áp, thuốc dự phòng đột quỵ. Người dân, nhất là người cao tuổi chủ động mặc ấm khi thời tiết chuyển lạnh, một khi có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, nôn, vận động yếu hoặc liệt, yếu chân tay, méo miệng, mất thăng bằng... thì cần đến ngay các cơ sở y tế thăm khám kịp thời.

Đối với bệnh nhân bị tai biến, sau khi xuất viện, người bệnh và gia đình cũng cần lưu tâm đến các yếu tố như: xây dựng chế độ ăn uống khoa học, cung cấp đầy đủ nhóm vitamin, chất xơ và hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ; tích cực luyện tập tại nhà với các bài tập vận động nhẹ nhàng kết hợp với hít thở sâu. Gia đình, người thân thường xuyên động viên, chia sẻ, khích lệ người bệnh là hành động giúp người bệnh giữ được tinh thần lạc quan, tích cực, hạn chế nguy cơ lo âu, tự ti, trầm cảm.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.