Nhà lãnh đạo Bolivia Evo Morales. Ảnh: NBC News
Phát biểu với truyền thông Bolivia, Luis Fernando Camacho, một lãnh đạo cấp cao của phe đối lập, xác nhận cảnh sát và quân đội đã phát lệnh bắt Tổng thống Evo Morales, đồng thời một chiến dịch tìm kiếm đang được tiến hành tại tỉnh Chapare, nơi được cho là ông Morales đang có mặt.
Trước đó, có tin cảnh sát đã phong tỏa và tịch thu chiếc máy bay cá nhân của Tổng thống Morales tại Sân bay El Alto ở thủ đô La Paz. Chiếc máy bay này dường như có kế hoạch bay tới Argentina.
Trên trang mạng cá nhân, Tổng thống Morales lên án lệnh bắt giữ nói trên là hoàn toàn “bất hợp pháp”. Ông cho biết tư dinh của mình đã bị những kẻ quá khích tấn công bạo lực. Tổng thống Morales khẳng định đây là hành động chống lại nền dân chủ và là một cuộc đảo chính.
Cùng ngày, cảnh sát Bolivia đã bắt giữ Chủ tịch và Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Quốc gia.
Ngày 10/11, Tổng thống cánh tả của Bolivia Evo Morales, Phó Tổng thống và một loạt quan chức cấp cao của quốc gia Nam Mỹ này đã tuyên bố từ chức, trong bối cảnh căng thẳng leo thang bởi làn song biểu tình phản đối cuộc bầu cử mới đây.
Chủ tịch Thượng viện Bolivia Adriana Salvatierra cũng đã đệ đơn từ chức, vài tiếng sau quyết định của nhà lãnh đạo Morales. Theo Hiến pháp Bolivia, Chủ tịch Thượng viện là người quyền lực nhất tại nước này trong trường hợp cả Tổng thống và Phó Tổng thống đều từ chức.
Động thái trên diễn ra bất chấp việc trước đó Tổng thống Morales đã chấp nhận tổ chức lại cuộc tổng tuyển cử nhằm tìm kiếm hòa bình-ổn định cho đất nước và theo đề xuất sau kết quả thanh tra kết quả bầu cử của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS).
Tuy nhiên, sau đó hàng loạt các quan chức cấp cao nước này đã đệ đơn từ chức, trong đó bao gồm các Bộ trưởng Khai thác mỏ César Navarro, Bộ trưởng Khí đốt Luis Alberto Sánchez, Chủ tịch Hạ viện Victor Borda và Thứ trưởng Ngoại giao Carmen Almendras do sức ép gia tăng từ các hoạt động biểu tình của phe đối.
Bolivia rung chuyển vì biểu tình nhiều tuần qua. Ảnh: DW
Lực lượng vũ trang và cảnh sát Bolivia đã gây sức ép và yêu cầu nhà lãnh đạo Morales từ chức để giữ hòa bình cho đất nước, giữa lúc làn sóng biểu tình bạo loạn của phe đối lập phản đối kết quả cuộc tổng tuyển cử hôm 20/10 đang ngày càng nghiêm trọng.
Tư lệnh quân đội Bolivia Williams Kaliman đã đưa ra kiến nghị trên trong một thông điệp tại tổng hành dinh của lực lượng quân đội ở khu vực phía Nam thủ đô La Paz, trong đó nhấn mạnh, “trước sự leo thang xung đột, vì tính mạng và an toàn của người dân, cũng như bảo đảm thượng tôn hiến pháp, quân đội đề nghị Tổng thống xem xét từ chức để bảo đảm sự ổn định và vì tương lai của đất nước”. Quân đội cũng kêu gọi nhân dân và các thành phần tham gia biểu tình chấm dứt bạo lực, không gây đổ máu và nỗi đau cho các gia đình Bolivia.
Trong khi đó, Tư lệnh cảnh sát Yuri Calderón cũng cho biết họ đồng thuận với nhân dân Bolivia trong việc kêu gọi Tổng thống Morales nên từ chức trong thời điểm khó khăn hiện nay. Ông Calderón cũng thông báo cảnh sát sẽ tham gia cùng với cơ quan công tố trong quá trình truy tố đối với các thành viên Tòa án Bầu cử Tối cao với những cáo buộc có có các hành động bất thường trong cuộc bầu cử mới đây.
Chủ tịch Cuba Miguel Díaz - Canel (trái) và Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Getty
Trước những diễn biến bất ổn tại Bolivia, ngày 10/11, Cuba đã chỉ trích mạnh mẽ việc Tổng thống Bolivia Morales cùng ngày phải tuyên bố từ chức mà theo La Habana là một cuộc “đảo chính”. Chủ tịch Cuba Miguel Díaz - Canel lên án cuộc đảo chính tại Bolivia đe dọa nền dân chủ tại quốc gia Nam Mỹ này.
Trong khi đó, Tổng thống cánh tả Venezuela Nicolas Maduro lên án hành động ông coi là một cuộc đảo chính nhằm vào Tổng thống dân cử Evo Morales của Bolivia.
Cùng ngày, Chính phủ Nicaragua đã kịch liệt lên án cuộc đảo chính tại Bolivia.
Chính phủ Peru đã ra tuyên bố kêu gọi nhanh chóng khôi phục hòa bình và hòa hợp ở Bolivia, trong bối cảnh những diễn biến căng thẳng tại nước này dẫn tới việc Tổng thống Bolivia Morales tuyên bố từ chức.
Chính phủ Peru hối thúc tổ chức các cuộc bầu cử minh bạch với sự hỗ trợ của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và các tổ chức quốc tế. Peru cũng kêu gọi bảo đảm một tiến trình chuyển tiếp theo đúng Hiến pháp tại Bolivia.