Công ty Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh được UBND tỉnh giao và cho thuê gần 17.098 ha trên địa bàn 4 huyện, trong đó có hơn 15.516 ha rừng sản xuất, hơn 8.591 ha trồng cao su, còn lại là rừng phòng hộ.
Hiện diện tích vườn cây cao su của doanh nghiệp đang có hơn 4.863 ha, toàn bộ diện tích này được tập đoàn đánh giá là đạt quy trình kỹ thuật; riêng năm 2014, doanh nghiệp đã đầu tư với tổng trị giá hơn 170.707 triệu đồng để phục vụ nhiệm vụ SXKD, doanh thu 2,94 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 3,8 triệu đồng/người/ tháng.
Công ty phấn đấu từ nay đến năm 2020 sẽ trồng mới 2.150 ha cao su, khai thác 3.690 tấn sản phẩm; trồng 400 ha keo và 250 cây dương liệu, dược liệu; đưa doanh thu đạt gần 152.693 triệu đồng, lợi nhuận trước thuề gần 5.097 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người hàng tháng đạt 5 triệu đồng…
Đại diện Chi cục Thi hành án dân sự Hương Khê báo cáo việc thực hiện thi hành án đối với vụ án ông Lê Hữu Chí (Hương Giang) thua kiện và phải hoàn trả lại cho Công ty hơn 7 ha đất lâm nghiệp. |
Thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng thuộc địa bàn đơn vị quản lý, hàng năm, công ty đã tổ chức xây dựng lực lượng chuyên trách với 45 người, được huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành và trang bị dụng cụ, phương tiện làm việc. Hàng năm, công ty cũng đã xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng, tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân, phối hợp có hiệu quả với chính quyền và các cơ quan chức năng để bảo vệ tốt tài sản được giao. Nhờ vậy, từ năm 2003 đến nay, lực lượng bảo vệ của công ty đã phối kết hợp với các cấp, các ngành kiểm tra, xử lý 29 vụ lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, thu hồi gần 290 ha, giải quyết dứt điểm 6/7 vụ chống đối người thi hành công vụ, xử lý 22 vụ trâu bò phá hoại vườn cây và 3 vụ cháy rừng…
Liên quan đến việc tranh chấp, lấn chiếm đất rừng tại Tiểu khu 192 ở Hòa Hải (Hương Khê), công ty đã vào cuộc tích cực, có sự phối kết hợp với chính quyền và các cơ quan chức năng để thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản 2532 ngày 17/6/2014 về việc xử lý kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc xử lý tranh chấp không thực hiện có hiệu quả, tình trạng lấn chiếm vẫn xẩy ra, công ty và các cơ quan chức chưa thể xử lý triệt để, doanh nghiệp khó thu hồi diện tích này…
Việc xử lý tranh chấp ở Hòa Hải không hiệu quả, tình trạng lấn chiếm vẫn xẩy ra |
Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Trọng Nhiệu đề nghị công ty cần tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết tốt tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai; phải khẳng định quyền làm chủ của mình trước các diện tích được giao để hạn chế tranh chấp, gây mất ổn định tình hình; chú ý xây dựng chiến lược phát triển cây cao su, có đánh giá khách quan trước khi mở rộng diện tích; mở rộng ngành nghề, đa dạng hóa các loại cây để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Riêng về các vụ việc tranh chấp cụ thể, huyện và các cơ quan chuyên môn phải tập trung giải quyết dứt điểm, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và lợi ích của nhân dân…