“Cát tặc” vẫn ngang nhiên khai thác tại khu vực xã Đức Hòa (Đức Thọ) giữa “thanh thiên bạch nhật”.
Từ xã Ân Phú (Vũ Quang), dõi ánh mắt về phía bên kia sông La (thuộc địa phận xã Đức Hòa – Đức Thọ), chúng tôi không khỏi xót xa. Ngay giữa “thanh thiên bạch nhật” (9h sáng), một tàu hút cát có tải trọng khoảng 70 tấn đang cắm những “vòi bạch tuộc” xuống lòng sông.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, bình thường đoạn này có không dưới 5 tàu hoạt động. Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND xã Đức Hòa Lê Tiến Thắng: “Dân quân, công an xã thường xuyên tuần tra canh gác 24/24h nên tình trạng khai thác cát trộm trên địa bàn giảm hẳn. Đặc biệt, từ khi huyện có chủ trương cấm khai thác ban đêm nên “cát tặc”... không còn đất diễn”. Tuy nhiên, khi được chúng tôi dẫn đi xem “bằng chứng sống”, vị chủ tịch mới hạ giọng, thừa nhận “xã cũng có thiếu sót trong việc này và sẽ rút kinh nghiệm”.
Khai thác cát tại xã Đức Quang (Đức Thọ)
Thực tế cho thấy, “cát tặc” thường hoạt động vào đêm khuya, tập trung vào những khu vực ngã ba sông, nơi giáp ranh giữa các xã Đức Hòa (Đức Thọ) - Ân Phú (Vũ Quang) - Sơn Long (Hương Sơn) hoặc Đức Quang, Đức Châu (Đức Thọ) - Hưng Lam (Hưng Nguyên - Nghệ An). Được biết, hiện tại, trên địa bàn huyện Đức Thọ, có 30 phà loại lớn tham gia hút cát trái phép. Ngoài ra, còn có hàng chục phương tiện từ các địa phương khác xâm nhập với công suất cực đại nên gây thiệt hại nguồn tài nguyên rất lớn.
Bãi tập kết cát lậu phía Bắc cầu Thọ Tường ở xã Liên Minh (Đức Thọ)
Số liệu của ngành chức năng huyện Đức Thọ cho thấy, năm 2014, nhà chức trách ở đây đã xử lý 83 phương tiện khai thác cát trái phép, xử phạt số tiền 613 triệu đồng. Năm 2016, tịch thu 11 máy nổ hút cát, xử phạt 80 trường hợp với số tiền gần 500 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, bắt giữ 109 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách 136,6 triệu đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, vì có rất nhiều vụ việc các đối tượng phạm pháp đã “cao chạy xa bay” trước khi lực lượng chức năng có mặt.
Tuyến sông La khá dài (17 km) nên việc tuần tra trên sông gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, lực lượng chức năng lại mỏng, kiêm nhiệm đủ việc; trang thiết bị thô sơ nên rất khó huy động và truy bắt khi có vi phạm xảy ra. “Không ít lần công an, dân quân xã tổ chức truy bắt nhưng ngặt nỗi, xuồng mình công suất nhỏ nên chẳng mang lại kết quả” - Chủ tịch UBND xã Đức Châu Nguyễn Văn Hiếu thất vọng cho biết.
Bãi tập kết cát lậu tại phía Nam cầu Thọ Tường (thị trấn Đức Thọ)
Bắt giữ “cát tặc” đã khó nhưng mang tang vật về để xử lý cũng hết sức nan giải. Phó trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường Đức Thọ Thái Sơn Vinh nhớ lại: “Dù phương tiện đã bị tạm giữ, có người canh nhưng “cát tặc” vẫn liều lĩnh xông vào cướp tang vật”.
Hiện trên địa bàn huyện vẫn tồn tại 3 bãi tập kết cát không phép nằm “chình ình” giữa hai bên cầu Thọ Tường (2 bãi ở phía Bắc thuộc xã Liên Minh và 1 bãi nằm phía Nam thuộc thị trấn Đức Thọ). Những bãi cát lậu không chỉ gây “sóng gió” với các cơ sở làm ăn chân chính mà còn là đầu mối “tiếp sức” cho “cát tặc”. Bên cạnh đó, nhu cầu cát xây dựng trên địa bàn và các vùng lân cận đang rất nhiều, trong khi nguồn cung thì rất ít. Bởi vậy, dù các lực lượng chức năng ráo riết truy bắt “cát tặc” nhưng cũng chỉ “đá ném ao bèo” - ông Võ Công Hàm - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đức Thọ khẳng định.
(Còn nữa)