Uông Việt Hùng (thứ hai từ trái sang) và các nhân viên bên trong một cửa hàng iPhở cafe ở Thủ đô Moscow
Khởi nghiệp ở nước ngoài là chuyện không hề đơn giản, nhất là đối với những người trẻ. Do vậy, ngay khi Uông Việt Hùng tiết lộ kế hoạch khởi nghiệp bằng các món ăn Việt tại Nga, nhiều người thân của cậu không khỏi bất ngờ và lo ngại trước ý tưởng "liều lĩnh".
Việt Hùng sinh năm 1989, là con út trong gia đình có hai chị em ở thị trấn Tây Sơn, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Vì nhiều lý do nên Hùng bỏ dở việc học từ năm lớp 11, đi bốc vác, phụ hồ, làm "lơ" xe khách đường dài để kiếm thêm thu nhập.
Tháng 10/2007, Hùng theo dì ruột sang Nga với công việc đầu tiên là đi phụ xây dựng với mức lương 35 USD/ngày. Tuy nhiên, Hùng chỉ làm việc này 2 ngày rồi vào làm công tại một nhà hàng Việt Nam.
“Tôi không nề hà công việc gì, từ bóc hành, gọt khoai, rửa bát... cứ luôn cặm cụi làm việc và không lúc nào dám ngơi nghỉ. Mỗi ngày làm từ 12-14 tiếng. Sáng ngủ dậy đi làm đến hơn 1 giờ đêm mới về, có lúc còn làm xuyên đêm. Hầu như không có thời gian rảnh, đến mức mà mặc dù đã sang Nga mấy năm, lại ở ngay Thủ đô Moscow, nhưng Quảng Trường Đỏ hình thù thế nào mãi sau này tôi mới biết”, Hùng kể.
Công việc vất vả nhưng may mắn là Hùng được ông bà chủ quý mến vì sự chăm chỉ, thật thà. Chỉ sau 2 năm vào làm, anh chính thức được vào đứng bếp và được các “tiền bối” chỉ dạy cách chế biến món ăn.
“Từ các món đơn giản đến những món phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, tôi đều học rất nghiêm túc, thực hành lại nhiều lần đến khi nào đạt mới thôi”, Hùng nói. Đến năm 2012, tay nghề vững, Hùng được nhận vào làm bếp trưởng của một nhà hàng Việt. Lúc này công việc đã đỡ vất vả hơn, thu nhập cũng cao hơn trước.
Sự tỉ mỉ, tâm huyết trong từng món ăn là bí quyết giúp iPhở cafe giữ chân khách hàng
Trong quá trình làm việc tại các nhà hàng, Hùng rút ra một điều: Người Nga cũng rất yêu thích ẩm thực Việt Nam, và món ăn được họ lựa chọn nhiều nhất là phở. Hơn nữa, các nhà hàng Việt Nam tại khu vực Hùng sinh sống lúc bấy giờ chưa nhiều. Nhận thấy lượng khách hàng tiềm năng lớn, tự tin vào kỹ năng và kinh nghiệm 9 năm trong nghề đầu bếp, đầu năm 2016, Hùng hạ quyết tâm khởi nghiệp với cửa hàng phở và bắt tay thực hiện.
Lấy tên là iPhở cafe, chàng trai Hà Tĩnh đặt mục tiêu tạo nên một thương hiệu phở Việt ở nước ngoài. “Chữ iPhở khiến nhiều người liên tưởng đến iPhone. Nghe hay hay mà lại dễ nhớ”, Hùng giải thích về cái tên mình chọn cho cửa hàng.
Tháng 10/2016, cửa hàng iPhở cafe đầu tiên của Hùng và một người bạn đồng hành đã chính thức khai trương tại khu chợ thực phẩm đông đúc Runok Moskvareskyi. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh không tiến triển thuận lợi như dự kiến. Lượng khách ít ỏi, lại thêm áp lực trả lương nhân viên, tiền thuê mặt bằng 500 USD/tháng, tất cả đã đẩy Hùng vào thế bế tắc. 3 tháng sau, cửa hàng phải đóng cửa.
Sau thất bại đầu tiên, Hùng mạnh dạn đầu tư thuê mặt bằng ở những khu vực đắc địa, có giá thuê lên đến 5.000 USD/tháng...
“Đây là khoảng thời gian kinh khủng. Bức tranh mà mình vẽ ra trên thực tế không chỉ mang một gam màu hồng” - Hùng nhớ lại. Đêm nằm vắt tay lên trán, nhiều lần ý nghĩ bỏ cuộc lóe lên nhưng sau cùng bị dập tắt bởi với Hùng, quãng thời gian 9 năm lao lực nơi đất khách quê người không cho phép anh được gục ngã nhanh đến vậy.
Vay mượn bạn bè, người quen một số tiền, Hùng quyết định làm lại tất cả. Việc đầu tiên Hùng làm là chuyển cửa hàng về khu chợ thực phẩm Runok Dorogomilovskyi - nơi có giá thuê mặt bằng cao hơn gấp 10 lần so với địa điểm cũ. Sự tỉ mỉ, tâm huyết trong từng món ăn, cộng thêm một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp, lượng khách hàng đến với iPhở cafe tăng dần lên...
Rất đông thực khách nước ngoài tìm đến quán iPhở cafe
Rút ra được nhiều kinh nghiệm cho bản thân sau thất bại đầu tiên, Hùng mạnh dạn đầu tư thuê mặt bằng ở những khu vực đắc địa. Tháng 4/2017, Hùng mở thêm cửa hàng iPhở cafe thứ hai tại trung tâm thương mại Okhotny Ryad, ngay gần Quảng trường Đỏ. Cuối năm 2017, Hùng tiếp tục khai trương cửa hàng thứ 3 trên phố đi bộ Noviy Arbat 11. Hiện tại, mỗi cửa hàng của iPhở cafe đều đón từ 120-200 khách hàng/ngày. Hùng cũng đã gần hoàn thành khâu chuẩn bị để khai trương một nhà hàng ẩm thực Việt dưới một thương hiệu mới vào tháng tới.
Hùng chia sẻ, nhà hàng sắp khai trương sẽ có không gian rộng hơn nhiều so với 3 cửa hàng iPhở. Thực đơn ngoài những món ăn truyền thống như phở, gỏi cuốn... đang được bán tại chuỗi iPhở thì sẽ phục vụ các món ăn đặc trưng trong bữa cơm gia đình của người Việt. Nhà hàng được trang trí theo phong cách cổ xưa Việt Nam. Nhiều loại dụng cụ như chén, bát làm từ gốm Bát Tràng, nồi lẩu... hay các loại gia vị, nguyên liệu được Hùng kỳ công vận chuyển bằng đường hàng không qua Nga để mang đến cho thực khách không gian và hương vị thuần Việt nhất.
Hiện tại, mỗi tuần, chuỗi cửa hàng iPhở cafe cũng đón từ 2-3 chuyến hàng chở nguyên liệu từ Việt Nam sang.
iPhở cafe phục vụ nhiều món ăn nhanh thuần Việt như phở, gỏi cuốn...
bên cạnh các món ăn như bún nem rán
Cơm rang hải sản
Cơm đậu phụ sốt cà chua
Tôm tẩm bột rán
Hùng tâm đắc nhất câu nói: “Để khởi nghiệp thành công, cần cù thôi chưa đủ, muốn làm chủ phải tinh khôn” của Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cen Group. Anh cũng xem đây là tôn chỉ khởi nghiệp của mình. Hùng cũng gửi một lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ khởi nghiệp rằng: “Hãy dám mạo hiểm để thực hiện giấc mơ của mình. Thất bại là bài học, kinh nghiệm cho ta bước tiếp. Mong các bạn trẻ dám nghĩ, dám làm và tự tin vào bản thân mình”.