Mô hình chăn nuôi lợn của anh Lê Ngọc Đồng liên kết với Công ty Mitraco nên đảm bảo đầu ra sản phẩm, có cơ hội mở rộng quy mô, tăng lợi nhuận.
Anh Đồng chia sẻ: “Năm 2002, sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình nên tôi đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Gần 10 năm “lênh đênh” trên đất nước bạn, tôi có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm làm trang trại của những người nông dân hiện đại. Và cũng chính họ là những người đã truyền cảm hứng làm nông nghiệp cho tôi”.
Sau khi trở về nước, với vốn kiến thức ngoại ngữ của mình, anh Lê Ngọc Đồng được nhận làm phiên dịch cho một doanh nghiệp ở TX Kỳ Anh, mức thu nhập lên đến 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh quyết định nghỉ việc để xây dựng trang trại, bắt đầu thực hiện giấc mơ làm giàu từ nông nghiệp. Năm 2013, anh mạnh dạn nhận thầu 2,5 ha đất của xã Kỳ Tân để xây dựng trang trại tổng hợp. Với số vốn tích góp, vay mượn thêm từ người thân, ngân hàng, trang trại được xây dựng có quy mô 500 con lợn/lứa. Diện tích còn lại được tận dụng trồng cỏ nuôi 20 con bò, gà, vịt trời, đào ao thả cá...
Tiếp đó, năm 2014, nhận thấy 40 ha đất nông nghiệp của địa phương phải bỏ hoang vì bạc màu, không chủ động được nguồn nước, anh chủ động liên hệ mượn lại đất của người dân để sản xuất. Mạnh dạn đầu tư hơn 300 triệu đồng mua máy cày, máy bơm nước, máy cuốn rơm,... để trồng lúa, vụ mùa đầu tiên cho thu hoạch ngoài mong đợi, năng suất đạt gần 4 tấn/ha. Với các biện pháp KHKT, tận dụng nguồn phân bón từ trang trại chăn nuôi, cánh đồng lúa cho lãi hơn 200 triệu đồng/vụ. Cùng với lợi nhuận từ trang trại, tổng thu nhập hàng năm của anh đạt khoảng 500 triệu đồng.
Chia sẻ bí quyết thành công, anh Đồng cho rằng, làm nông nghiệp muốn bền vững phải có liên kết, đó là liên kết trong sản xuất và liên kết với doanh nghiệp. Đặc biệt, người nông dân hiện đại phải mạnh dạn áp dụng các tiến bộ KHKT, đầu tư thiết bị.
Hiện tại, anh đã ký kết hợp đồng chăn nuôi liên kết với Công ty Mitraco, thực hiện nuôi gia công lợn thương phẩm. Còn lúa thu hoạch theo vụ đã được kho dự trữ lương thực của tỉnh thu mua lâu dài. Hơn nữa, trang trại của anh đang tiến hành đăng ký chứng chỉ VietGAP để khẳng định vị thế trên thị trường.
“Sắp tới, tôi dự định thuê đất để sản xuất thêm khoảng 40 ha lúa ở địa phương khác. Về trang trại, tôi thử nghiệm trồng các giống cây mới phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Trước mắt, tôi sẽ trồng cây chuối theo hướng liên kết” - anh Đồng cho hay.
Tháng 9/2017, anh Lê Ngọc Đồng vinh dự là một trong 23 mô hình khởi nghiệp thành công trong cả nước tham dự tọa đàm “Các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội. Đây cũng chính là cơ hội để anh làm giàu thêm vốn kiến thức của mình. Qua đó, giúp anh mở rộng mô hình sản xuất, đồng thời, nhân rộng thêm những hình ảnh nông dân trẻ làm giàu chính đáng từ đồng ruộng.