Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 khóa XIV, chỉ có 0,59% công chức và 0,38% viên chức được phân loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018.
Liên hệ với thực tế còn quá nhiều điều đáng nói trong nền hành chính công của ta hiện nay, đó là một bộ phận công chức “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ viên chức còn quá nhiều phiền phức, tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận công chức, viên chức khiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước phải “chỉ mặt, đặt tên” bằng cụm từ “tham nhũng vặt”, con số gần 1% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ cứ như một sự trêu tức dư luận.
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, chỉ có gần 1% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2018 (Ảnh minh họa) |
Bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII, cho rằng, nếu so sánh con số báo cáo của Bộ Nội vụ với hiệu quả công việc thì có lẽ không tương xứng, con số ấy chắc chắn quá nhỏ bé so với thực trạng công việc còn trì trệ mà Chính phủ nhận thấy điều đó, lãnh đạo địa phương chưa hài lòng.
“Tình trạng trì trệ, công việc chưa hoàn thành nhiều thế mà tỷ lệ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ lại ít thế, vậy việc đánh giá liệu đã chuẩn, đã đúng với thực tế chưa? Nếu thực sự con số nhỏ thế thì là điều rất đáng mừng nhưng thực tế lại đang phủ nhận con số đó. Trong đánh giá liệu có sự nể nang, nương nhẹ?”, bà An đặt câu hỏi.
Ông Bùi Đức Thụ - nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của UBTVQH |
Ông Bùi Đức Thụ, nguyên Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng cho rằng, cần phải xem lại con số này.
“Tôi hiểu đánh giá của Bộ Nội vụ dựa trên cơ sở tổng kết đánh giá từ dưới cơ sở, đơn vị, các bộ ngành, địa phương tổng hợp lên. Nhưng theo tôi, trong điều kiện hiện nay, vấn đề tổng kết, đánh giá hoạt động của từng đơn vị, bình bầu thi đua chưa thực chất, còn hình thức, nể nang lẫn nhau. Vì vậy, đơn vị nào cũng báo cáo lên trên là hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ công chức, viên chức trong đơn vị đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Báo cáo từ dưới lên như vậy thì Bộ cũng khó mà làm khác đi, vẫn phải căn cứ vào số liệu phản ánh lên”, ông Thụ phân tích.
Không thể phủ nhận, trong những năm qua, cùng với quá trình đổi mới của đất nước, công tác quản lý điều hành của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương, các bộ ngành có nhiều chuyển biến tích cực, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư ngày càng ổn định và hấp dẫn hơn, do đó thu hút được nhiều nguồn lực ở trong và ngoài nước để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, những “hạt sạn” trong quản lý điều hành Nhà nước của ta vẫn còn rất nhiều. Căn bệnh quan liêu, nhũng nhiễu vẫn chưa được hạn chế. Thủ tướng xác nhận tình trạng tham nhũng vặt ở chính quyền cơ sở, các cấp ngành còn khá phổ biến; việc gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn nhiều; hệ thống hành chính chưa thực sự thông thoáng…
Từ thực tế ấy, theo ông Bùi Đức Thụ, nếu việc đánh giá, xem xét trách nhiệm của cán bộ công chức trong từng vị trí việc làm theo đúng yêu cầu của đổi mới, yêu cầu của công tác quản lý điều hành được thực hiện một cách nghiêm túc, thì tỷ lệ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc hoàn thành dưới mức yêu cầu sẽ phải lớn hơn rất nhiều.
Một vấn đề nữa khiến dư luận không khỏi băn khoăn là nếu chỉ có chưa đến 1% công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ thì mục tiêu tinh giản, tinh gọn bộ máy liệu có thực hiện được?
Bà Bùi Thị An, đại biểu QH khóa XIII |
Theo bà Bùi Thị An, đó là trách nhiệm của người đứng đầu, người đứng đầu có đầy đủ phẩm cách, có tâm, có tầm, biết giao việc, biết đánh giá công việc của cấp dưới thì mới đánh giá đúng được năng lực cán bộ.
Người đứng đầu mà không có trình độ, không có phẩm cách, lại còn xuê xoa, nể nang, thì ngoài chuyện không đánh giá đúng được kết quả công việc của cấp dưới mà còn làm tổn hại đến động lực phấn đấu của những người làm tốt, có năng lực. Thực tế đây là câu chuyện đã tồn tại nhiều năm, bởi khâu lựa chọn cán bộ chưa thực sự chuẩn, chưa đáp ứng yêu cầu khiến hiệu quả công việc của bộ máy còn thấp, kém.
Còn theo quan điểm của ông Bùi Đức Thụ, điều quan trọng là cần phải có hệ thống tiêu chí đánh giá đầy đủ, khách quan, công bằng. Công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ do lý do chủ quan, có hệ thống và khi không đáp ứng đủ quy chuẩn trong một thời hạn nhất định rõ ràng phải xử lý, có thể xử lý hành chính từ mức thấp, nhắc nhở, khiển trách, cảnh cáo đến mức cao nhất là cho thôi việc.