Các đợt tăng giá xăng dầu gần đây đã đẩy nhóm giao thông tăng 3,21% |
Đây là mức tăng cao nhất của tháng 1 trong vòng 3 năm trở lại đây. Nguyên nhân do trong tháng có tới 9/11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá.
Trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông, tăng 3,21% do tác động của các đợt tăng giá xăng dầu gần đây. Đứng thứ hai về mức độ tăng là nhóm Thuốc và dịch vụ y tế (tăng 1,01%) do một số địa phương tăng giá dịch vụ y tế.
Ngoài ra do khoảng thời gian tính chỉ số giá tháng 1 cũng là thời điểm giáp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng tăng cao đẩy giá nhiều mặt hàng tăng, như nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,78% - xếp thứ 3 về mức độ tăng.
Giá dầu và giá gas tăng cũng đẩy nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,57%, xếp thứ 4 về mức độ tăng. Trong tháng, nhóm Giáo dục cũng tăng tới 0,55%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,24%...
Tuy nhiên, trong tháng nhóm hàng Ăn và dịch vụ ăn uống – nhóm hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giỏ hàng tính CPI – lại giảm 0,24% (trong đó nhóm Lương thực tăng 0,47%; nhóm Thực phẩm giảm 0,59% và Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,31%). Bên cạnh đó, nhóm Bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,15%.
Trong khi đó, lạm phát cơ bản chỉ tăng nhẹ 0,28% so với tháng trước. Còn so với cùng kỳ năm 2016, lạm phát cơ bản chỉ nhích nhẹ lên 1,88% từ mức 1,87% của tháng 12/2016. Điều đó cho thấy, việc CPI tháng 1 tăng khá cao chủ yếu do giá xăng dầu, giá các mặt hàng so Nhà nước quản lý tăng cộng thêm yếu tố mùa vụ.
Về diễn biến hai nhóm hàng hóa đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho biết, trong tháng 1, chỉ số giá vàng giảm 0,18% so với tháng trước, nhưng tăng tới 11,04% so với cùng kỳ. Chỉ số giá đôla Mỹ giảm 0,07% so với tháng trước, nhưng cũng tăng 0,55% so với cùng kỳ.