Người dân tập trung đi mua sắm để chuẩn bị cho tết Nguyên đán đang cận kề.
Cụ thể, chỉ số CPI ước tăng 0,41% so với tháng trước, trong đó, khu vực thành thị tăng 0,46%; khu vực nông thôn tăng 0,4%.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính có 7 nhóm hàng hóa chỉ số giá tăng so với tháng trước: hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,86%); đồ uống và thuốc lá (tăng 1,43%); may mặc, mũ nón, giày dép (tăng 0,19%); thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,04%); thuốc và dịch vụ y tế (tăng 0,03%); giao thông (tăng 0,95%); hàng hóa và dịch vụ khác (tăng 0,22%).
Nhu cầu sử dụng thực phẩm của người dân trong tháng 1 tăng cao.
3 nhóm hàng hóa có chỉ số giá giảm so với tháng trước: nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (giảm 0,11%); bưu chính viễn thông (giảm 0,01% ); văn hóa, giải trí và du lịch (giảm 0,36%).
Theo phân tích của Cục Thống kê, nhu cầu tiêu dùng phục vụ tết Nguyên đán và giá cả đa số các nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng, nhất là về cuối tháng là nguyên nhân chính đẩy chỉ số CPI tháng 1 tăng. Cùng với đó, giá xăng, dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng theo tình hình chung của thị trường thế giới.
Hàng tết lên kệ, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp tết.
Một số yếu tố tác động tới chỉ số giá tháng 1 như: giá cả nhóm rau củ quả trong tháng giảm mạnh; khối lượng điện và nước sinh hoạt tiêu thụ giảm do thời tiết; giá gas trong tháng cũng tiếp tục giảm…
Dự báo, chỉ số CPI tháng 2/2022 dự kiến sẽ giảm so tháng 1/2022. Sau tháng tết, nhu cầu tiêu dùng cũng như giá các nhóm hàng hóa, dịch vụ đều giảm. Ngoại trừ nhóm vật liệu xây dựng, giá điện và nước sinh hoạt dự kiến sẽ tăng khi thời tiết bắt đầu chuyển nắng nóng.