Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 2/2021

(Baohatinh.vn) - Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Việt Nam tăng từ 51,3 điểm của tháng 1 lên 51,6 điểm trong tháng 2 cho thấy sự cải thiện của các điều kiện kinh doanh.

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 2/2021

Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tăng nhẹ trong tháng 2/2021. (Ảnh minh họa)

Đó là nội dung trong thông cáo ra ngày 1/3/2021 của IHS Markit – công ty thu thập kết quả khảo sát chỉ số PMI, một chỉ số tổng hợp đo lường kết quả hoạt động của ngành sản xuất.

Theo IHS Markit, dữ liệu tháng 2 cho thấy mức cải thiện chung về sức khỏe lĩnh vực sản xuất của Việt Nam.

Đà tăng của số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục được duy trì, trong khi sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng. Tuy nhiên, niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm với các lo ngại về ảnh hưởng tiếp tục của đại dịch Covid-19.

Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn cao khi nhu cầu thế giới về nguyên vật liệu tiếp tục vượt cung, và vẫn có tình trạng chậm trễ đáng kể trong khâu nhận hàng do những khó khăn về vận chuyển trên toàn cầu.

Bình luận về kết quả khảo sát mới đây, Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại IHS Markit, nói: “Chỉ số PMI Ngành sản xuất Việt Nam của IHS Markit cho thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục cải thiện nhẹ trong tháng 2. Sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tiếp tục tăng là những dấu hiệu tích cực, nhưng số lượng ca nhiễm Covid-19 tăng mới đây dẫn đến tâm lý thận trọng. Trên thực tế, niềm tin của các công ty đã giảm thành mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020”.

“Trước đây, Việt Nam đã khẳng định thành công trong việc kiểm soát nhanh chóng virus, và nếu lần này tiếp tục thành công, chúng ta hy vọng thấy lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng trưởng. IHS Markit hiện dự báo sản xuất công nghiệp tăng 6,8% trong năm nay”, ông Harker nói thêm.

Trong số bảy quốc gia ASEAN được IHS Markit khảo sát, kết quả hoạt động vẫn không đồng đều trong tháng 2.

Myanmar có mức suy giảm mạnh nhất của các điều kiện kinh doanh. Chỉ số toàn phần (27,7) là mức thấp kỷ lục khi tình trạng bất ổn chính trị khiến các nhà máy phải đóng cửa.

Thái Lan và Malaysia cũng có sản xuất suy giảm và tốc độ giảm ở mỗi quốc gia đều nhanh hơn. Với kết quả chỉ số tương ứng là 47,2 và 47,7, chỉ số PMI toàn phần cho thấy mức suy giảm vừa phải của sức khỏe lĩnh vực sản xuất nói chung.

Trong khi đó, tăng trưởng ở Indonesia đã chậm lại so với mức cao của sáu năm rưỡi trong tháng 1. Chỉ số toàn phần (50,9) chỉ cho thấy mức tăng nhẹ trong tháng 2.

Cùng lúc đó, Việt Nam có sự cải thiện nhanh nhất của các điều kiện kinh doanh trong hai tháng, mặc dù trong đó một tháng là ở mức vừa phải (PMI đạt 51,6).

Tại Philippines, chỉ số toàn phần (52,5) là không thay đổi so với tháng trước đã cho thấy một trong hai mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 12/2018.

Cuối cùng, Singapore có mức cải thiện mạnh nhất các điều kiện sản xuất trong số bảy quốc gia khảo sát trong tháng 2. Với kết quả 55,2, chỉ số toàn phần cho thấy tốc độ có chậm lại nhưng mức độ vẫn là mạnh.

(Theo IHS Markit)

Đọc thêm

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Thị xã Hồng Lĩnh tạo đột phá, vươn tầm cao mới

Hai năm liền đứng đầu về chỉ số DDCI, thu hút đầu tư đạt được nhiều kết quả quan trọng cho thấy TX Hồng Lĩnh đang vững bước trên hành trình trở thành đô thị hạt nhân phía Bắc Hà Tĩnh.