Chiều 3/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận hành và quản lý dữ liệu hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục tuân thủ theo các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Đây là hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương Thế giới (8/6), Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì Môi trường năm 2022. Đại diện các ban, ngành, địa phương và các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Phân tích và Môi trường (CAE) cùng dự. |
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Phan Lam Sơn báo cáo kết quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, đại biểu đã được nghe Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh Phan Lam Sơn báo cáo kết quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, thời gian qua, sở đã thực hiện có hiệu quả các vấn đề liên quan đến môi trường như: công tác quản lý chất thải rắn, chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn y tế; công tác đảm bảo tài nguyên đa dạng sinh học; tài nguyên nước, biển, hải đảo; quan trắc môi trường; thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới...
Đặc biệt, trong công tác quan trắc môi trường, năm 2021, sở đã tổ chức hoàn thành 4/6 đợt quan trắc chất lượng các thành phần môi trường. Trong đó, đánh giá chất lượng nước mặt 61 vị trí, nước dưới đất 47 vị trí, nước biển ven bờ 15 vị trí, trầm tích 12 vị trí, chất lượng không khí xung quanh 56 vị trí, chất lượng đất 17 vị trí.
Đại biểu theo tham dự hội thảo.
Từ đầu năm 2022 đến nay, sở đã tổ chức lấy mẫu 8 đợt, đánh giá chất lượng nước mặt 61 vị trí, nước dưới đất 47 vị trí, nước biển ven bờ 15 vị trí, trầm tích 12 vị trí, chất lượng không khí xung quanh 56 vị trí, chất lượng đất 17 vị trí.
Kết quả quan trắc đánh giá chất lượng các thành phần môi trường cho thấy, chất lượng các thành phần môi trường tự nhiên trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến nay không có nhiều biến động so với các năm trước. Hầu hết các thông số quan trắc đều ở ngưỡng thấp và nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép tương ứng. Chất lượng môi trường nước biển thể hiện qua các thông số phân tích tại các điểm quan trắc khá ổn định, hầu hết các thông số phân tích đều đang nằm trong ngưỡng giá trị giới hạn cho phép.
Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh Trần Thanh Tùng chia sẻ những điểm mới về quan trắc môi trường trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và thông tư số 02/2022/TT-BTNMT tới các đại biểu.
Tại hội thảo, đại biểu cũng đã được tiếp thu các ý kiến do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Phân tích và Môi trường (CAE) chia sẻ, như: những điểm mới về quan trắc môi trường trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.
Giới thiệu các quy định mới về vận hành trạm quan trắc tự động theo thông tư số 10/2021/TT-BTNMT; các quy định về đo lường và kiểm soát chất lượng hệ thống trong quan trắc tự động; kinh nghiệm vận hành và quản lý dữ liệu hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục...
Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Môi trường Đặng Quốc Long (CAE) chia sẻ các quy định về đo lường và kiểm soát chất lượng hệ thống trong quan trắc tự động.
Các đại biểu đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai vận hành và quản lý dữ liệu hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động cũng như việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm để thực hiện tốt các quy định của pháp luật có liên quan đến quan trắc tự động, liên tục; tiếp nhận, truyền và quản lý dữ liệu đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các địa phương cũng như doanh nghiệp; các giải pháp quản trị hệ thống, kiểm duyệt số liệu, khai thác sử dụng, công bố số liệu...